Châu Âu đối mặt nguy cơ hạn hán nghiêm trọng mùa Hè 2025
Kinhtedothi - Các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo nguy cơ một mùa Hè khốc liệt đang cận kề, khi tình trạng hạn hán đang lan rộng trên khắp châu Âu, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của khu vực.
Báo cáo mới nhất từ Đài quan sát hạn hán châu Âu cho thấy các khu vực miền Nam, miền Đông và miền Trung đang trải qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, bán đảo Iberia là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với hàng loạt cảnh báo đỏ do hạn hán xen kẽ với mưa lớn trong mùa Đông và mùa Xuân.
Tính đến năm 2023, Tây Ban Nha ghi nhận diện tích hạn hán lớn nhất với 34.000 km², tiếp theo là Ba Lan (24.000 km²) và Litva (20.000 km²). Bên cạnh đó, cảnh báo màu cam đã được phát đi tại nhiều khu vực như Ý, Hy Lạp, Síp, Ba Lan, Belarus, hầu hết lãnh thổ Ukraine, cùng một số khu vực ở Ireland, Scotland, Đức và Pháp.
Mối lo ngại lớn hiện nay là Síp đang trải qua cuộc khủng hoảng nước ngọt nghiêm trọng nhất tại châu Âu. Theo Chỉ số khai thác nước (WEI+), quốc đảo này sử dụng tới 71% tổng lượng nước ngọt sẵn có – cao hơn rất nhiều so với ngưỡng 20%, vốn được xem là cảnh báo về tình trạng khan hiếm. Đứng sau Síp là Malta và Romania, với mức sử dụng lần lượt là 34% và 21%.

Châu Âu đối mặt nguy cơ hạn hán nghiêm trọng mùa Hè 2025. Ảnh: Water News Europe
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, tình trạng nắng nóng và hạn hán sẽ gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ ở hầu hết khu vực, đòi hỏi các chiến lược thích ứng phải được triển khai hiệu quả ngay từ bây giờ.
Ngược lại, các nước như Latvia, Croatia, Thụy Điển và Phần Lan ghi nhận mức tiêu thụ dưới 1%, cho thấy nguồn nước tại đây vẫn dồi dào và chưa bị đe dọa.
Tại hội nghị của nhóm Med9 (gồm 9 quốc gia châu Âu ven Địa Trung Hải), các giải pháp ứng phó với hạn hán đã được đề xuất, như hệ thống tưới tiêu thông minh, công nghệ tiết kiệm nước, cây trồng biến đổi gen… Tuy nhiên, Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhấn mạnh vai trò then chốt của việc tái chế nước thải.
Theo chuyên gia Maria Diamanti, "Hơn 80% nước thải bị lãng phí. Đây thực chất là nguồn tài nguyên quý giá chứa nước, năng lượng và chất dinh dưỡng."
Nhu cầu sử dụng nước ngầm tại châu Âu hiện nay chủ yếu đến từ hai lĩnh vực chính: cung cấp nước công cộng (chiếm 62%) và nông nghiệp (chiếm 33%). Đây đều là những lĩnh vực thiết yếu, gắn liền trực tiếp với đời sống người dân và an ninh lương thực. Tuy nhiên, sự thay đổi theo mùa do tác động của biến đổi khí hậu đang làm phức tạp thêm vấn đề khai thác tài nguyên nước. Đặc biệt, nguồn cung nước mặt như: sông, hồ vào các tháng mùa Xuân và mùa Hè – thời điểm nhu cầu tưới tiêu trong nông nghiệp tăng mạnh – lại có xu hướng suy giảm rõ rệt. Điều này khiến các quốc gia buộc phải chuyển sang khai thác nhiều hơn từ nguồn nước ngầm, vốn ổn định hơn nhưng cũng đang dần chịu áp lực quá tải nếu không được quản lý hiệu quả và bền vững.
Đọc thêm: EU ra tay ứng phó khẩn cấp dịch cúm gia cầm lan rộng tại Ba Lan
Nước ngọt tiếp tục đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội tại châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn hán kéo dài và những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, các quốc gia thành viên EU cần khẩn trương điều chỉnh chính sách quản lý tài nguyên đất đai và nước. Việc xây dựng các chiến lược khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước một cách hiệu quả, khoa học và bền vững là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, cũng như gìn giữ cân bằng hệ sinh thái cho các thế hệ tương lai.

Châu Âu rúng động: gói thuế của ông Trump khiến “kẻ khóc người cười”
Kinhtedothi - Hàng xa xỉ, ô tô và ngành tàu biển là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, trong khi một số loại tiền tệ của châu Âu bất ngờ hưởng lợi từ sự hỗn loạn...

Châu Âu rục rịch ứng phó với thuế quan của ông Trump
Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thể hiện lập trường thống nhất nhằm phản đối chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Liên minh châu Âu ban hành quy định mới về điều kiện nhập khẩu cá ngừ
Kinhtedothi - Phương tiện vận chuyển cá ngừ cấp đông phải đáp ứng yêu cầu thiết kế, trang bị hệ thống giám sát liên tục theo thời gian thực và ghi lại nhiệt độ của nước muối trên tàu bằng các thiết bị đo nhiệt độ điện tử, đảm bảo nhiệt độ cấp đông đối với lõi sản phẩm đạt -18 độ C.