Châu Âu sẽ quay lại sử dụng than đá khi Nga giảm nguồn cung khí đốt?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu leo thang khiến lạm phát tăng cao và dẫn tới một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia trong khu vực.

Châu Âu hiện đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng vào mùa đông tới nếu các kho không được trữ đầy trong khi Nga đang cắt giảm nguồn cung khí đốt sang khu vực này.

Châu Âu cân nhắc sử dụng than đá

Theo Reuters, chính phủ Đức, Italia, Áo và Hà Lan tuần này đã phát tín hiệu rằng các nhà máy nhiệt điện than có thể giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng vốn khiến giá khí đốt tăng mạnh và gia tăng thêm sức ép với nỗ lực kiềm chế đà tăng kỷ lục của lạm phát.

Khu vực dự trữ than tại nhà máy sản xuất thép Thyssenkrupp ở Duisburg, miền tây nước Đức vào ngày 22/2. Ảnh: AFP
Khu vực dự trữ than tại nhà máy sản xuất thép Thyssenkrupp ở Duisburg, miền tây nước Đức vào ngày 22/2. Ảnh: AFP

Các doanh nghiệp châu Âu nhập khẩu khí đốt của Nga đang tìm kiếm các nguồn cung nhiên liệu thay thế, thậm chí còn cân nhắc quay trở lại sử dụng than đá để bù đắp nguồn khí đốt thâm hụt từ Nga, trong bối cảnh lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông tới nếu các kho dự trữ không được lấp đầy.

Công ty dầu khí khổng lồ Eni của Italia hôm 20/6 cho biết doanh nghiệp này đã nhận được thông báo từ phía tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom rằng Eni sẽ chỉ nhận được một phần khí đốt theo yêu cầu của công ty.

Thực tế này khiến Italia đối mặt với việc có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó có thể dẫn tới việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm khí đốt.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ngày 19/6, nước này công bố kế hoạch tăng lượng dự trữ khí đốt và cho biết có thể tái khởi động các nhà máy nhiệt điện mà nước này từng định đóng cửa.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng đây là thực tế đau lòng, song nếu không làm vậy, các kho dự trữ khí đốt sẽ không đủ đầy để cung cấp cho người dân qua mùa Đông năm nay. Ông Habeck cũng cho biết chính phủ sẽ giới thiệu một hệ thống đấu giá mới, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp giảm tiêu thụ khí đốt.

Cơ quan Lưới điện Liên bang Đức cho rằng thông báo giảm nguồn cung của Gazprom là dấu hiệu cảnh báo các kho dự trữ khí đốt của Đức khó có thể được lấp đầy trước mùa đông và than là lựa chọn mà Đức buộc phải nghĩ tới.

Tương tự, ngày 19/6, Chính phủ Áo cũng nhất trí phương án khởi động lại nhà máy nhiệt điện than nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp năng lượng do Nga khóa van khí đốt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten hôm 20/6 thông báo chính phủ cũng đã kích hoạt giai đoạn "cảnh báo sớm" của một kế hoạch gồm 3 phần về khủng hoảng năng lượng.

Giá khí đốt tại châu Âu sẽ hạ nhiệt?

Chốt phiên giao dịch ngày 20/6, giá khí đốt châu Âu hợp đồng giao sau tại sàn giao dịch Hà Lan ở mức 124 euro (130 USD) mỗi megawatt giờ (MWh), giảm so với mức đỉnh 335 euro/MWh hồi tháng 3 năm nay, nhưng vẫn tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng mạnh trong vòng 1 năm trở lại đây, khi Nga siết nguồn cung khí đốt trước khi xảy ra chiến sự tại Ukraine và nỗi lo gián đoạn nguồn cung tăng cao. Gần đây, Nga đã cắt cung cấp khí đốt đối với một số nước châu Âu vì các nước này không đáp ứng yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp do Moscow đưa ra hồi tháng 3. Giá khí đốt tại châu Âu leo thang khiến lạm phát tăng cao và dẫn tới một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia trong khu vực.

Tuyến đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức, ngày 8/3/ 2022. Ảnh: Reuters
Tuyến đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức, ngày 8/3/ 2022. Ảnh: Reuters

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tuần trước tuyên bố giảm 60% nguồn cung sang châu Âu qua tuyến đường ống Nord Stream 1 với lý do tua-bin nén khí được đưa đi sửa chữa ở Canada và chậm trễ bàn giao do lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Nord Stream 1 là đường ống chính dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Trong nỗ lực tìm nguồn cung thay thế năng lượng Nga, hôm 15/6, EU, Israel và Ai Cập đã ký một thỏa thuận liên quan đến cung cấp khí đốt, cho phép châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm ngoái, EU đã nhập khẩu khoảng 155 tỷ m3 khí đốt từ Nga, tương đương 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU.

Trong khi đó, nhà sản xuất điện lớn nhất Đức RWE hôm 20/6 cho biết họ có thể kéo dài hoạt động của 3 nhà máy điện than với công suất 300 megawatt (MW) nếu cần thiết.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay gia tăng thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách châu Âu - khu vực đang đương đầu với lạm phát tăng cao do giá lương thực và năng lượng leo thang.

Giám đốc điều hành công ty điện lực lớn nhất của Đức RWE, ông Markus Krebber cho biết giá điện có thể sẽ phải mất 3 đến 5 năm để quay trở lại mức giá thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của các hộ gia đình và triển vọng kinh tế.

Theo giới phân tích, các nước châu Âu buộc phải hy sinh mục tiêu cắt giảm khí thải để đối phó với giá năng lượng. "Không có con đường nào khác để nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga mà không gây ra thêm lạm phát và suy thoái nghiêm trọng do giá năng lượng," nhà phân tích Timera Energy nói với hãng tin Reuters hôm 20/6.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần