Thời điểm đặc biệt
Chuyến thăm ba ngày của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell l từ 12/10 diễn ra khi EU đang thực hiện một nhiệm vụ tế nhị: đẩy lùi các khoản trợ cấp của Trung Quốc mà họ cho là gây bất lợi cho các công ty châu Âu, đồng thời cố gắng ngăn chặn mối quan hệ trị giá 900 tỷ USD biến thành một cuộc chiến thương mại.
Theo Alicja Bachulska, nhà nghiên cứu chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, hai bên sẽ cố gắng hiểu rõ quan điểm của nhau.
“EU muốn thông báo về lằn ranh đỏ của mình. Về môi trường an ninh và khả năng cạnh tranh kinh tế, Brussels đang cố gắng điều chỉnh lại quan điểm của mình đối với Bắc Kinh,” chuyên gia này nhận định.
Việc Bắc Kinh không lên án Hamas trong cuộc xung đột giữa Palestine và Hamas vừa qua cũng đặt Trung Quốc và EU vào hai phía đối lập trong một cuộc xung đột lớn thứ hai trong nhiều năm, sau chiến sự tại Ukraine. Thời điểm chuyến đi của ông Borrell cũng đáng lưu ý. Ông rời Trung Quốc chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh để gặp ông Tập.
Nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu dự kiến gặp gỡ các quan chức Trung Quốc, trong đó có Ngoại trưởng Vương Nghị, tại các cuộc đàm phán được coi là bước cuối cùng trong việc dọn đường cho Chủ tịch EC Von der Leyen đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay.
Chuyến thăm của ông Borrell diễn ra sau hai lần thất bại hồi đầu năm nay. Chuyến đi đầu tiên dự kiến hồi tháng 4 phải hủy bỏ sau khi ông có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Sau đó, Trung Quốc đột ngột hoãn cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 7.
Căng thẳng về thương mại song phương có khả năng gia tăng. Bloomberg News đưa tin, EU và Mỹ chuẩn bị công bố Thỏa thuận Nhôm và Thép Toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào ngày 20/10. Theo đó có thể đưa ra các mức thuế mới nhằm vào sản xuất thép dư từ Trung Quốc vào thời điểm mong manh đối với nền kinh tế này.
Khi được hỏi về các cuộc điều tra dự kiến liên quan, Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này phản đối “chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ lạm dụng các biện pháp thương mại” và sẽ giám sát chặt chẽ các hành động của EU.
Noah Barkin, cố vấn cấp cao về hoạt động tại Trung Quốc của Tập đoàn Rhodium cho biết, Bắc Kinh có thể coi bất kỳ biện pháp hạn chế thép nào là một “cuộc tấn công vào nền kinh tế vốn đang chịu nhiều áp lực của họ".
Ông Borrell sẽ cần phải đưa ra một lập luận thuyết phục về lý do tại sao những biện pháp này là cần thiết vào thời điểm mà mối lo ngại ở châu Âu đang gia tăng về khả năng trả đũa của Trung Quốc.
Khó khăn của Trung Quốc trong việc tách các vấn đề nhân quyền khỏi hoạt động thương mại với EU dược thấy rõ khi vào tháng 12/2020, khối này đóng băng một hiệp ước đầu tư lớn với Bắc Kinh sau 7 năm đàm phán. Thỏa thuận này đã sụp đổ sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp trả đũa đối với các thành viên của khối do cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã cố gắng ổn định mối quan hệ song phương khi lấy EU làm đối trọng với Mỹ. Nhưng cách tiếp cận của EU ngày càng có vẻ phù hợp hơn với chính phủ của Tổng thống Joe Biden.
Ủy ban Châu Âu đã tăng áp lực lên các quốc gia thành viên để ngăn việc các quốc gia thành viên sử dụng thiết bị của tập đoàn công nghệ Huawei và ZTE trong mạng di động.
Dong Yifan, một học giả tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, khẳng định với tờ Global Times rằng EU đã phối hợp các chính sách thương mại của mình với Mỹ nhiều hơn kể từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Căng thẳng thương mại
Tháng trước, EU đã cử nhà đàm phán thương mại hàng đầu Valdis Dombrovskis tới Bắc Kinh vài ngày sau khi nước này công bố một cuộc điều tra về trợ cấp xe điện của Trung Quốc. Brussels cho biết cuộc điều tra là cần thiết để bảo vệ việc làm và chuỗi cung ứng trong nước.
Trong khi Bắc Kinh ban đầu chỉ trích cuộc điều tra xe điện là “hành động bảo hộ trắng trợn”, thì quan chức EU cũng đưa ra những lời gay gắt. Ông đã nêu một số lời chỉ trích trực tiếp nhất của khối đối với các chính sách kinh tế và chính trị của Trung Quốc, đồng thời nói rằng hai trụ cột trong mối quan hệ giữa họ không thể tách rời.
Với việc ông Borrell đến Trung Quốc ngay sau cuộc đàm phán ở Oman, cuộc xung đột ở Trung Đông có thể sẽ là trọng tâm. Thông qua đó tạo tiền đề cho một loạt cuộc họp đầy chông gai nhằm kiểm tra xem nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẵn sàng đi bao xa để giữ châu Âu đứng về phía mình.
Bachulska, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại cho biết: “Bắc Kinh muốn cải thiện mối quan hệ với Brussels trong bối cảnh Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ”. “Nhưng sẽ không làm được điều đó nếu cái giá phải trả quá lớn.”