Cháy quán karaoke gây chết người: Trách nhiệm thuộc về ai?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Luật sư nhận định, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định, chủ cơ sở kinh doanh karaoke không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về PCCC để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự...

Nhiều vụ cháy xảy ra tại các quán karaoke

Liên quan đến vụ cháy xảy ra tại quán karaoke ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy chiều 1/8 khiến 3 chiến sĩ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy tử vong, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Công an TP khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây không phải là lần đầu xảy ra những vụ cháy quán karaoke gây hậu quả nghiêm trọng như vậy. Trước đó, tại Hà Nội cũng đã xảy ra các vụ cháy quán karaoke khiến nhiều người thương vong. Trong đó, điển hình là vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) khiến 13 người chết hồi đầu tháng 11/2016; vụ cháy dữ dội ở quán karaoke 43G Giảng Võ vào tháng 5/2014 khiến 5 người chết, gồm chủ quán và 4 nhân viên…

Hiện trường vụ cháy quán karaoke ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy chiều 1/8
Hiện trường vụ cháy quán karaoke ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy chiều 1/8

Tại sao các vụ cháy quán karaoke thường để lại hậu quả nghiêm trọng? Trước hết, đó là do một số cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn về PCCC, hoạt động khi chưa đủ điều kiện cho phép. Cụ thể, liên quan vụ cháy quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông khiến 13 người chết, thời điểm xảy ra vụ cháy, cơ sở này đang sửa chữa, lắp đặt quán, chưa hoàn thiện, chưa có biên bản nghiệm thu về PCCC, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép kinh doanh karaoke nhưng chủ quán vẫn cho khách vào hát. Còn tại vụ cháy quán karaoke ở phường Quan Hoa chiều 1/8 khiến 3 chiến sĩ hy sinh, trước khi xảy ra vụ cháy, quán đã dừng hoạt động do chưa cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96 của Chính phủ.

Cùng với đó, phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay đều được thiết kế khá đặc trưng theo kiểu nhà hộp hay dạng nhà ống, không có ban công. Bề mặt tường là vật liệu xốp cách âm. Mặt ngoài thường được quây kín bằng các biển hiệu lớn nên khi xảy ra cháy nổ rất mất thời gian và khó khăn trong công tác cứu hộ cứu nạn. Trước các vụ việc thương tâm, có nhiều câu hỏi đặt ra về việc đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke...

Phải bảo đảm điều kiện về phòng, chống cháy nổ

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, theo Luật Đầu tư 2020, kinh doanh dịch vụ karaoke là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó phải bảo đảm điều kiện về phòng, chống cháy nổ thì cơ sở kinh doanh mới được cấp giấp phép kinh doanh karaoke. Về điều kiện này, Thông tư 147/2020/TT-BCA đã có quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC. Cùng đó, Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở.

Như vậy, đối với cơ sở kinh doanh karaoke, các điều kiện PCCC trên phải được người đứng đầu cơ sở tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Tuy nhiên, khi các vụ việc thương tâm xảy ra, liệu các điều kiện này đã được đảm bảo hay chưa? Có các vi phạm nào về PCCC trong suốt quá trình kinh doanh tại cơ sở này không? Nếu có đã được khắc phục hay chưa? Bên cạnh đó, khi thực hiện các công tác kiểm tra, thanh tra, cấp phép đủ điều kiện về PCCC ở cơ sở liệu đã làm chặt chẽ? Theo đó, nếu xem xét lại sự việc và phát hiện cơ sở không đủ điều kiện về PCCC thì ngoài người đứng đầu cơ sở karaoke là người phải chịu trách nhiệm sẽ còn các cán bộ kiểm tra nếu có những hành vi sai trái.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Theo đó, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về PCCC để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về PCCC. Căn cứ theo điều luật này, chủ cơ sở có thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù lên đến 12 năm.

Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do quá trình thi công, sửa chữa, bộ phận thi công sẽ chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về PCCC. Ngoài trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xác định bên thi công được thuê mướn thì chủ cơ sở phải có trách nhiệm bồi thường dân sự liên đới vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản.

“Thời gian qua, trên địa bàn TP vẫn xảy ra những vụ cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, thời gian tới đây, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành kiểm tra, rà soát điều kiện, tiêu chuẩn PCCC của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn. Yêu cầu tất cả các điểm vui chơi giải trí không chỉ riêng các cơ sở kinh doanh karaoke phải trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC, sử dụng các vật liệu chống cháy theo quy định. Đồng thời, công khai sơ đồ thoát hiểm và hướng dẫn lối thoát hiểm cho người dân trước khi sử dụng các dịch vụ để tránh các vụ việc thương tâm” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần