Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đánh giá, bệnh đái tháo đường là một trong những vấn đề cấp bách của y tế toàn cầu, có thể tác động làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tới năm 2025, số người mắc bệnh đái tháo đường sẽ lên đến 330 triệu người trên toàn thế giới. Đặc biệt, bệnh tiến triển âm thầm, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tỉ lệ tử vong cao. Bệnh đái tháo đường vẫn được xem như "kẻ giết người thầm lặng" của toàn nhân loại thời hiện đại.
Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam ước chiếm khoảng trên 6% dân số, và khoảng 10% dân số khác mắc tiền đái tháo đường. Thực trạng này vẫn đang gia tăng khiến Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ gia tăng nhanh bệnh lý này. Tuy số người được điều trị có tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn rất nhiều người bệnh chưa được phát hiện và điều trị sớm.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, mới chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế. Theo thống kê, hằng năm, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi hàng nghìn tỷ đồng để chẩn đoán và điều trị cho các trường hợp mắc bệnh tiểu đường và chi phí này tiếp tục gia tăng hàng năm.
“Vấn đề đặt ra là nguồn lực chi cho y tế luôn có giới hạn, nguồn quỹ BHYT có giới hạn, vì vậy cần phải quản lý, theo dõi điều trị hợp lý hiệu quả nhất bệnh tiểu đường, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, giảm gánh nặng xã hội và đảm bảo khả năng chi trả của nguồn quỹ BHYT” - Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nêu rõ.