Các chi nhánh ngân hàng vốn tồn tại lâu đời đã dần biến mất do chuyển sang ngân hàng trực tuyến, mặt khác máy rút tiền tự động (ATM) cũng đang dần thưa thớt.
Trong bối cảnh người tiêu dùng đang giao dịch tiền mặt ít đi, xu hướng nổi lên do đại dịch Covid-19, các ngân hàng đã đóng cửa hàng loạt ATM để tiết kiệm chi phí.
Những thay đổi này được ghi nhận rõ nhất ở hầu hết các khu mua sắm ngoại ô khắp Australia bởi rất khó để tìm được cây ATM cũng như chi nhánh ngân hàng.
Theo Chính phủ nước này, số lượng ATM trên cả nước giảm hơn một nửa trong vòng 5 năm, từ 13.814 vào năm 2017 xuống còn 6.412 vào năm 2022.
Chi nhánh ngân hàng cũng giảm, từ 5.694 năm 2017 xuống còn 4.014 vào năm 2022, giảm từ mức cao nhất là hơn 8.500 vào năm 1993, khi dân số Úc dưới 18 triệu người, so với 26 triệu hiện nay.
Tiến sĩ Philip Lowe, thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia, cho biết lượng tiền mặt rút ra đã giảm 17% trong ba năm qua dù tổng chi tiêu trong cùng khoảng thời gian tăng 27%.
Hầu như tất cả các giao dịch mua bán và chi tiêu ở Australia hiện nay được thực hiện bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, từ thợ điện cho đến lao công đều có thể thanh toán online. Thậm chí, một số cửa hàng và quán cà phê hoàn toàn không dùng tiền mặt.
Tiền giấy được dự đoán chỉ chiếm ít hơn 4% tổng số giao dịch bán lẻ tại quốc gia này vào năm 2025.
Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà bán lẻ Australia Paul Zahra cho biết việc giao dịch tiền mặt ở nước này đã xuống mức thấp sau khi Covid-19 bùng phát bởi ưu tiên thanh toán không tiếp xúc. Theo đó, loại hình thanh toán có tăng trưởng lớn nhất là ví điện thoại thông minh.
Ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở vùng nông thôn Australia, các bưu điện cũng cung cấp nhiều dịch vụ ngân hàng như rút tiền, gửi tiền và truy vấn số dư. Hiện có khoảng 3.500 bưu điện cung cấp dịch vụ ngân hàng nhưng cũng không bù đắp được sự sụt giảm số ngân hàng và ATM trong những năm gần đây.
Australia Post đang xem xét đóng cửa khoảng 30 chi nhánh mà nguyên nhân chủ yếu vì lượng khách giao dịch sụt giảm.
Lý giải vấn đề sụt giảm giao dịch tiền mặt, Anna Bligh, Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngân hàng Australia (ABA), cho biết khi bắt đầu đại dịch, hầu hết các cơ sở giao dịch, từ cửa hàng cho đến siêu thị lớn đều ghi thông báo 'không dùng tiền mặt'. Cho đến nay, người dân đã quen với việc này, do đó sẽ không quay lại sử dụng tiền mặt nữa, Anna Bligh nói với 6PR Radio.
Dù vậy, ABA, đại diện cho 20 ngân hàng trong nước, bao gồm 4 ngân hàng lớn: Commonwealth Bank, Westpac, NAB và ANZ cho rằng tiền mặt sẽ không hoàn toàn “biến mất”.
Giám đốc điều hành ABA nhận định tiền mặt sẽ duy trì vai trò của nó và sẽ tiếp tục được in ra chứ không biến mất ngay lập tức.