Chỉ số cải cách hành chính Hà Nội năm 2023: Khối Sở, ngành tạo bứt phá

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Năm 2023, khối Sở và các cơ quan tương đương Sở của Hà Nội đã có nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác cải cách hành chính. Mức độ tăng Chỉ số trung bình so với năm 2022 của khối Sở tăng cao hơn so với khối quận, huyện (khối Sở tăng 2,73%, khối quận, huyện tăng 1,26%).

Sở Y tế là đơn vị có giá trị điểm số tăng cao nhất

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh, Chỉ số cải cách hành chính trung bình năm 2023 của Khối Sở và cơ quan tương đương Sở là 88,46% (tăng 2,73% so với năm 2022). Có 13/22 Sở, cơ quan tương đương Sở có Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 trên mức giá trị trung bình.

Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023 của các Sở, cơ quan tương đương Sở. 
Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023 của các Sở, cơ quan tương đương Sở. 

Sở Nội vụ đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 cao nhất với kết quả là 94,25%. Có 18/22 đơn vị khối Sở có Chỉ số Cải cách hành chính tăng cao hơn so với năm 2022. Trong đó, Sở Y tế là đơn vị có giá trị điểm số tăng cao nhất với 12,20%.

Khối Sở và cơ quan tương đương Sở: có 4/8 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2022, bao gồm: “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC” (tăng 6,45%); “Cải cách chế độ công vụ” (tăng 3,87%), “Cải cách tài chính công” (tăng 9,77%) và “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số” (tăng 7,99%).

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội nghị. 
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội nghị. 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, năm 2023, công tác cải cách hành chính được Đảng ủy – Ban Giám đốc Sở thường xuyên quan tâm, có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt việc triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ. Ngành Y tế Hà Nội đã nỗ lực thực hiện làm thí điểm việc triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ tay sức khỏe điện tử. Dự kiến số lượng tài khoản và cơ sở khám, chữa bệnh tham gia Hồ sơ sức khỏe điện tử gồm 700 tài khoản kết nối liên thông, 3000 tài khoản truy cập phần mềm để thực hiện nghiệp vụ, 700 cơ sở khám, chữa bệnh tham gia Hồ sơ sức khỏe điện tử. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT. Các cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp đón hơn 3,4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp.

 

Sở Du lịch đã triển khai mô hình sử dụng mã QrCode để gia tăng sự thuận lợi, dễ dàng cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng các thiết bị di động thông minh khi truy cập, thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, Sở Du lịch đã triển khai đường truyền dịch vụ thông tin hỗ trợ, tư vấn giải pháp miễn phí (24/7) qua Tổng đài 1800.556.896 nhằm tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ảnh, kiến nghị của khách du lịch nhanh chóng, kịp thời và mang tính thực tiễn cao. Sở đã thông tin, hỗ trợ cho 772 lượt khách du lịch, tiếp nhận và giải quyết 32 phản ánh, kiến nghị của du khách nội địa và quốc tế, tạo dựng được hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người Hà Nội trong mắt khách du lịch.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Khối Sở và cơ quan tương đương Sở có 4/8 chỉ số thành phần có giá trị trung bình giảm so với năm 2022, đó là các chỉ số thành phần: “Cải cách thể chế” (giảm 7,50%); “Cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông” (giảm 3,05%) và “Cải cách tổ chức bộ máy” (giảm 6,23%) và “Tác động CCHC đến phát triển kinh tế xã hội của Thành phố” (giảm 1,08%).

Khối Sở, cơ quan tương đương Sở có 4/8 nội dung có kết quả thấp hơn giá trị trung bình của Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 là “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC”, “Cải cách thể chế”, “Cải cách tổ chức bộ máy”, “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số”. Trong đó, nội dung có kết quả thấp nhất là “Cải cách thể chế” với giá trị 79,48%.

Có 4/22 Sở, cơ quan tương đương Sở có giá trị chỉ số Cải cách hành chính năm 2023 giảm so với năm 2022 là: Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Thành phố. Trong đó, Thanh tra Thành phố có giá trị giảm nhiều nhất (- 20,85%).

Nỗ lực cải thiện công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính

Qua theo dõi, đánh giá cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính nếu nơi nào, cơ quan, đơn vị nào coi trọng thì nơi đó cải cách hành chính được đẩy mạnh. phục vụ người dân, tổ chức tốt hơn. Trên thực tiễn, nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức quan tâm, chỉ đạo sát sao thì công tác cải cách hành chính của cơ quan đó có sự cải thiện, chuyển biến tích cực.

Tại cuộc công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã năm 2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần xác định Chỉ số này là nhiệm vụ quan trọng để tập trung khắc phục những điểm còn hạn chế. 
Tại cuộc công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã năm 2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần xác định Chỉ số này là nhiệm vụ quan trọng để tập trung khắc phục những điểm còn hạn chế. 

Trong 3 năm đánh giá (kể từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2025), chỉ số thành phần "Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính" có 2 năm (2022, 2023) đạt giá trị trung bình trên 80%. Đặc biệt năm 2023, giá trị trung bình trên 86%, tăng 6,45% so với năm 2022 và tăng 14,1% so với năm 2021. Điều này thể hiện phần nào sự nỗ lực cải thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của các Sở, cơ quan tương đương Sở.

Ghi nhận những nỗ lực trong nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các Giám đốc Sở, Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần xác định Chỉ số cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng, định kỳ hàng năm. Đồng thời, rà soát, phân tích và đánh giá, xác định rõ cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm, để có giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2024.

Trong năm 2024, Chủ tịch UBND TP nêu việc các đơn vị cần tiếp tục quyết tâm, đổi mới, thực hiện đồng bộ từ thể chế đến tổ chức bộ máy, quy trình thủ tục, cải cách tài chính công. “Cải cách hành chính cùng với chuyển đổi số thực chất, có hiệu quả thì lợi ích mang lại cho xã hội vô cùng lớn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp và người dân” - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

 

Xác định Chỉ số Cải cách hành chính của các cơ quan, địa phương, đơn vị là công cụ hiệu quả để đánh giá kết quả cải cách hành chính hằng năm của cơ quan, địa phương, đơn vị mình.

Chỉ số cải cách hành chính ngày càng đi vào thực chất, khách quan, công bằng, trở thành một công cụ quan trọng trong đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, là nguồn thông tin quan trọng giúp các cơ quan, đơn vị nhận biết được những mặt mạnh, mặt yếu của mình trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, từ đó có những phương án, chính sách chỉ đạo, điều hành phù hợp hơn trong các năm tiếp theo.