Chỉ số giá xây dựng tăng: Doanh nghiệp gặp khó

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng năm 2021 tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do giá thép xây dựng tăng 30 - 40%, khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, biến động của giá các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép đến hoạt động xây dựng, Bộ đã có văn bản gửi cơ quan liên quan và địa phương đề nghị thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp. Đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng.

Chỉ số giá xây dựng tăng cao trong năm 2021 khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn.
Chỉ số giá xây dựng tăng cao trong năm 2021 khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn.

Bộ Xây dựng đã tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN xây dựng. Trong đó, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đất đai năm 2013, để bảo đảm tính thống nhất; đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án khẩn cấp; hoàn thiện quy định về kế hoạch sử dụng đất…

“Tuy nhiên, chỉ số giá xây dựng năm 2021 tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do giá thép xây dựng tăng 30 - 40%, khiến nhiều DN xây dựng gặp khó khăn. Chỉ một số DN duy trì được doanh thu tối đa 80%, đa phần doanh thu chỉ đạt 30 – 50% so với cùng kỳ năm 2020”- đại diện Bộ Xây dựng cho hay.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, cả nước hiện có trên 2.000 nhà thầu xây dựng đang đóng góp một phần xứng đáng vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, vật liệu xây dựng, DN xây dựng phải trải qua nhiều đợt “bão giá”, chi phí cho hoạt động xây dựng tăng đến 40%, nên nhiều nhà thầu không dám nhận việc vì tình trạng bão giá.

“Có thể nói, DN xây dựng hiện nay đang cố gắng lấy “ngắn nuôi dài”, trong giai đoạn dịch bệnh, bão giá chỉ có một số DN lớn vượt lên được, còn phần lớn đều bị ảnh hưởng lớn. Đây là về mặt con số, trên thực tế còn đang bị tắc nghẽn cả về giải ngân, vốn, Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng...” – ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN xây dựng, đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng cho rằng, Bộ Xây dựng nên kiến nghị sửa đổi Nghị định về hợp đồng xây dựng, trong đó quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các chủ đầu tư. Đồng thời cho phép sửa đổi về thanh toán hợp đồng xây dựng, chủ đầu tư đặc biệt là chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách phải có bảo lãnh thanh toán 30% hợp đồng bảo lãnh vốn vay và những công trình không ký quyết toán thì không đưa vào sử dụng.

Riêng đối với vấn đề “bão giá” vật liệu xây dựng các cơ quan quản lý Nhà nước từ T.Ư đến chính quyền các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, đẩy mạnh việc cập nhật giá vật liệu trên thị trường, làm căn cứ cho DN xây dựng đơn giá, vì hiện nay, tốc độ cập nhất thường chậm hơn thị trường từ 1 – 2 tháng, gây nhiều khó khăn cho DN xây dựng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần