Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ số PAPI: Thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở.

Diễn đàn mở của người dân

PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bảng tổng hợp kết quả PAPI 2021 của các tỉnh, thành phố.
Bảng tổng hợp kết quả PAPI 2021 của các tỉnh, thành phố.

Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011.

Năm 2021, 15.833 người dân từ 18 tuổi trở lên và cũng là cử tri đã tham gia khảo sát PAPI. Trong đó có hơn 500 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam qua hình thức phỏng vấn với khoảng thời gian từ 45-60 phút.

Trong suốt 13 năm qua, có tới 162.066 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.

 

“Khảo sát PAPI đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam, giúp chính quyền các cấp cải thiện việc ra quyết định, hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ công cho người dân dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy về trải nghiệm của người dân. Trong bối cảnh Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao và hướng tới mục tiêu nền kinh tế thu nhập cao thì việc chính quyền các cấp hiểu được mong muốn của người dân, kịp thời chuyển đổi và cải thiện đường lối chính sách dựa trên các phản hồi của người dân là vô cùng quan trọng”.

- Bà Cherie Russell, Tham tán phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam

PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.

Dữ liệu và thông tin từ Chương trình nghiên cứu PAPI được coi như bức tranh thực tế về hiệu quả của chính quyền trong việc đáp ứng yêu cầu của người dân, giúp các cấp soi chiếu lại hoạt động trong một năm.

Từ dữ liệu PAPI - “mỏ vàng” thông tin hữu ích cho nghiên cứu và vận động chính sách, các cấp chính quyền có thể tìm kiếm và áp dụng giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy để người dân tin tưởng hơn vào chính quyền, cảm nhận được quyền lợi chính đáng của họ được đảm bảo, giúp giải phóng tiềm năng của từng cá nhân, từ đó đóng góp tích cực vào những nỗ lực phục hồi và phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt sau những tác động tiêu cực to lớn của Covid-19 vừa qua.

Kết quả Chỉ số PAPI tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương. PAPI cũng là diễn đàn mở để người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền.

Ứng phó của chính quyền với đại dịch Covid-19 qua đánh giá của người dân

Năm 2021 là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cho thấy mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên, với tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong 2 năm. Y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan ngại lớn nhất của người dân, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm.

Các chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2021 của TP Hà Nội. 
Các chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2021 của TP Hà Nội. 

Nhìn chung, tỉ lệ người trả lời cho biết họ hài lòng với cách ứng phó với đại dịch của chính quyền các cấp đã giảm từ 89% năm 2020 xuống 84% năm 2021. Sự sụt giảm này có thể là do tác động to lớn hơn của làn sóng Covid-19 lần thứ tư với biến chủng Delta gây nhiều thách thức cho chính quyền các cấp, đặc biệt là từ tháng 5/2021.

Đặc biệt, với lĩnh vực y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện/quận/thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. Trong khi đó, tỉ lệ người dân cho biết họ hoặc người thân trong gia đình phải ‘chung chi’ để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ. Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu.

Ngoài ra, điểm chỉ số nội dung ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’ giảm mạnh so với hai năm trước 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương không xử lý được số lượng lớn các đơn thư, yêu cầu của người dân đối với các chính sách hỗ trợ và ứng phó liên quan đến Covid-19 trong năm 2021.

Trong khi giãn cách xã hội đòi hỏi nhiều khía cạnh trong đời sống của người dân chuyển sang trực tuyến, thì vẫn có một khoảng cách lớn trong việc tiếp cận cổng dịch vụ công trực tuyến. Điều này được phản ánh trong điểm số còn thấp ở chỉ số nội dung ‘Quản trị điện tử’ năm 2021.

Tương tự với phát hiện nghiên cứu PAPI năm 2020,  hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và tăng cường công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có mối tương quan tích cực và có ý nghĩa thống kê với mức độ hài lòng của người dân với cách ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của chính quyền các cấp.

Kết quả khảo sát PAPI năm 2021 cũng cho thấy, người dân đánh giá cơ sở hạ tầng cơ bản được cải thiện với chất lượng đường xá, điện lưới và thu gom rác thải tốt hơn. Đồng thời, người dân tham gia khảo sát cũng cho biết, tình hình tội phạm an ninh, trật tự địa bàn khu dân cư cũng giảm, có thể là do tác động của giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.