Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chìa khóa cho nền kinh tế số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếm tới 98% tổng số DN đang hoạt động, việc chuyển đổi số cho khối DN nhỏ và vừa (SME) có thành công hay không sẽ là yếu tố quyết định tới việc Việt Nam có hay không một nền kinh tế số toàn diện.

Số hóa trong hoạt động sản xuất tại nhà máy của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Phạm Hùng
Số hóa trong hoạt động sản xuất tại nhà máy của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Phạm Hùng

Chưa biết chuyển đổi số... từ đâu

Bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ năm 2016, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã sớm đưa vào các giải pháp công nghệ nhằm phục vụ canh tác như trạm cảnh báo thời tiết iMetos hay truy xuất nguồn gốc điện tử eGap. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn đưa 15 sản phẩm rau lên tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử như Cadosa.vn. Nhờ vậy, Hợp tác xã không chỉ nâng cao được chất lượng của sản phẩm mà còn tăng cường kết nối trực tiếp tới người tiêu dùng, mang lại nguồn doanh thu ổn định vào khoảng hơn 10 tỷ đồng/năm.

Theo thống kê, DN SME đang chiếm tới 98% tổng số DN đang hoạt động. Do đó, việc chuyển đổi số cho khối này có thành công hay không sẽ là yếu tố quyết định tới việc Việt Nam có hay không một nền kinh tế số toàn diện. Bởi với việc khối DN SME đang sử dụng 70% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 50% GDP, nếu chuyển đổi số thành công cho khối này, GDP sẽ được tăng thêm khoảng 30 tỷ USD. Đồng thời, DN chuyển đổi số sẽ có năng suất cùng lợi nhuận gấp đôi so với DN tương tự nhưng chưa chuyển đổi số.

 

Tính trung bình mỗi DN có thể tiết kiệm 300 giờ làm việc/năm khi sử dụng các nền tảng số. Ước tính với hơn 800.000 DN SME, con số tiết kiệm được có thể lên đến hơn 8.000 tỷ đồng/năm.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc

Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) lại đưa ra những con số rất đáng báo động. Trong số lãnh đạo của các DN SME được hỏi, có tới 72% không biết phải bắt đầu chuyển đổi số từ bộ phận nào trong đơn vị mình, 92% không biết phải chuyển đổi số thế nào cho phù hợp và 69% không biết có mong muốn thuê ngoài để chuyển đổi nhưng không biết đối tác nào để triển khai. Do đó, theo ước tính, tới hiện tại chỉ mới xấp xỉ 20% DN chuyển đổi số thành công trong tổng số toàn bộ các đơn vị SME tham gia chuyển đổi số.

Theo Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) Lê Thị Thu Thủy, trên thực tế, có nhiều DN SME nhận thức được chuyển đổi số sẽ giúp họ có được mô hình hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn nhưng khi thực hiện lại không biết bắt đầu từ đâu. Thậm chí có nhiều DN còn tỏ ra chưa quan tâm hoặc chưa chú trọng đến chuyển đổi số khi cho rằng DN nhỏ ít chịu tác động từ quá trình thay đổi này.

Đối với DN SME, rào cản cho chuyển đổi số không chỉ nằm ở các yếu tố như quyết tâm của lãnh đạo, lộ trình phù hợp mà quan trọng nhất là nằm tại chi phí. Hiện chi phí ứng dụng các giải pháp công nghệ số, đặc biệt là các dịch vụ của nước ngoài đang ở mức quá cao so với tiềm lực tài chính của DN SME. "Bên cạnh đó, các yếu tố về bảo mật như rò rỉ dữ liệu, lộ lọt thông tin cũng khiến nhiều DN chưa sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh của mình" - bà Lê Thị Thu Thủy chia sẻ.

Giao dịch với Robot OPBA tại Nam A Bank. Ảnh: Việt Linh  
Giao dịch với Robot OPBA tại Nam A Bank. Ảnh: Việt Linh  

Hỗ trợ bằng nền tảng số Make in Viet Nam

Để giải những bài toán như lộ trình phù hợp, công nghệ và đặc biệt là kinh phí, những yếu tố rào cản để DN SME tiếp cận với chuyển đổi số, ngay từ năm 2021, Bộ TT&TT và một số DN công nghệ hàng đầu trong nước đã triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx). Đây được xem là hoạt động quan trọng và cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong DN SME thông qua ứng dụng các nền tảng số Make in Viet Nam.

Tính đến hiện tại, đã có hơn 318.000 DN SME được hỗ trợ chuyển đổi số thông qua Chương trình SMEdx. Đáng chú ý, con số trên đã tăng tới 760% so với 37.000 DN được tiếp cận Chương trình trong cả năm 2021. Theo kế hoạch, dự kiến đến hết năm 2022, sẽ có khoảng 360.000 DN SME được tiếp cận và tham gia Chương trình SMEdx.

Với việc sử dụng các nền tảng số qua SMEdx, DN được chuyển giao quy trình chuẩn, cho phép vừa ứng dụng công nghệ, vừa thay đổi, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các nền tảng số được tích hợp thành hệ sinh thái số đầy đủ, DN SME không cần đầu tư nhiều thiết bị, hạ tầng; thời gian triển khai nhanh, chỉ từ vài giờ đến 1 ngày là có thể áp dụng.

Về các nền tảng số Make in Viet Nam cũng đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Cụ thể, đã hình thành được hệ sinh thái nền tảng số quốc gia với 35 nền tảng, trong đó có 23 nền tảng được triển khai thực tế. Những nền tảng này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, tạo ra hạ tầng mềm nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Bên cạnh đó là 182 nền tảng số từ 22 DN công nghệ đã được đăng ký nhằm hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi số.

Không chỉ có mức giá chỉ bằng 1/3, thậm chí là 1/5 so với giải pháp chuyển đổi số đến từ các DN nước ngoài, các nền tảng số Make in Viet Nam còn có nhiều chương trình hỗ trợ dành cho DN SME. Có thể kể đến như dùng thử miễn phí 6 tháng đầu, sau đó nếu ký hợp đồng 1 năm trở lên sẽ tiếp tục có 6 tháng miễn phí kế tiếp, đồng thời mức phí phải bỏ ra sẽ được hỗ trợ giảm giá 50%. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ là đơn vị hỗ trợ đầu ra, trợ giúp DN mở rộng thị trường nhằm giới thiệu sản phẩm của mình rộng rãi hơn cả ở trong nước và quốc tế.

Cũng trong năm 2022, Bộ TT&TT đã ra mắt Bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của DN (DBI), trong đó SME là nhóm DN được đánh giá chính. Với nhiều thước đo cụ thể và chi tiết, thông qua DBI, DN SME có thể chủ động xác định tình hình chuyển đổi số của mình, qua đó nhận được tư vấn từ các chuyên gia để đưa ra lộ trình chuyển đổi số phù hợp.

Nói về việc hỗ trợ DN SME chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định đây sẽ là hoạt động tiếp tục được Bộ cùng 63 địa phương tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2022. Bên cạnh tăng cường các nền tảng số Make in Viet Nam, sẽ hình thành mạng lưới tư vấn kinh tế số và tổ chức mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã để hỗ trợ triệt để chuyển đổi số cho các DN SME, đặc biệt là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

"Các nền tảng số Make in Viet Nam là giải pháp đột phá để DN chuyển đổi số qua đó phổ biến công nghệ số vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số thành công là DN có doanh thu, lợi nhuận tốt, đây không phải là thêm một nhiệm vụ mà là một cách làm mới" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

 

Trong năm 2022, Chương trình SMEdx sẽ có 3 gói hỗ trợ chính: DN bắt đầu chuyển đổi số được hỗ trợ từ 20 đến 50 triệu đồng/năm; DN đang tăng tốc chuyển đổi số được hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm; DN chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.