Xu hướng:

Chiếm lĩnh không gian để kinh doanh

Quý Thụy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong số những người giàu nhất hành tinh hiện nay, tỷ phú Jeff Bezos và Elon Musk đang cạnh tranh dữ dội trong cuộc đua lấy không gian để kinh doanh.

Ngoài các doanh nhân giàu có, các chính phủ, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế cũng ráo riết chạy đua trong xu hướng đưa người lên sống trong vũ trụ.

Nhật Bản chuẩn bị sản xuất thực phẩm từ Mặt Trăng

Hướng đến khai thác không gian hiệu quả cao có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân, giới khoa học của Xứ sở mặt trời mọc sẽ phát triển các công nghệ thiết lập các cơ sở trồng cây trong phòng kín ở Mặt Trăng, nơi chưa có cây cối vì nhiệt độ thấp hơn trên trái đất rất nhiều, không đủ nước và không khí cho cây. Chính phủ và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã có kế hoạch phối hợp với các công ty công nghệ và thực phẩm để cùng nghiên cứu thực hiện dự án phát triển nguồn thực phẩm bền vững tại Mặt Trăng.

Chinh phục vũ trụ.
Chinh phục vũ trụ.

Kế hoạch đặt ra là Chính phủ Nhật và khối tư nhân sẽ bắt đầu nghiên cứu vào tháng 3/2022. Chính phủ sẽ tài trợ, và dẫn dắt dự án là Space Foodsphere, một nhóm nghiên cứu thực phẩm trong không gian có trụ sở tại Tokyo, cộng thêm đại diện từ nhiều tổ chức khác như JAXA, công ty chuyên về thực phẩm Ajinomoto và công ty dữ liệu hệ thống tích hợp NTT Data.

Dự án cũng thu hút sự tham gia từ các start-up công nghệ như liên doanh Euglena, là start-up sinh học đang hợp tác với tập đoàn thương mại khổng lồ Itochu Corp trong các dự án nuôi vi tảo euglena làm nhiên liệu sinh học (để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch) và thức ăn tại Indonesia và Colombia. Mục đích nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng sản phẩm ngay tại Mặt Trăng cho những người sẽ làm việc dài hạn trên “cung trăng” (ước tính là số lượng người lớn), vì khó vận chuyển đủ thực phẩm tươi ngon từ trái đất lên mặt trăng.

Cùng với Nhật, những nước khác trong đó có Mỹ và Trung Quốc đang thực hiện các dự án để trong tương lai, nhân loại có thể tồn tại được trên mặt trăng. Xa hơn nữa, tỷ phú công nghệ Elon Musk từng cho biết ông dự định sẽ hoàn thành ước mơ xây thành phố 1 triệu dân trên sao Hỏa trước năm 2050.

Chính phủ Nhật cũng tham gia chương trình Artimis do NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) đứng đầu, vạch ra các ý tưởng thăm dò và sử dụng các nguồn tài nguyên trong không gian, trong đó có Mặt Trăng. Nhóm nghiên cứu này sẽ bắt đầu nghiên cứu tại một cơ sở trong nước, sau đó có thể chuyển đến một nơi có điều kiện môi trường gần giống với Mặt Trăng, ví dụ ở Nam Cực.

Mục đích là nghiên cứu phát triển các công nghệ để triển khai trồng cây trong phòng kín trên Mặt Trăng, nơi nhiệt độ khoảng -100 độ C, thiếu nước và không khí cho cây. Họ cũng sẽ nghiên cứu cách thức con người duy trì các điều kiện sức khỏe tinh thần và thể chất trong không gian hạn chế trong một thời gian dài. Nếu được phát triển thành công, các công nghệ vượt thời gian này cũng sẽ góp phần to lớn cho nhân loại trong vấn đề Trái Đất bị sa mạc hóa và biến đổi khí hậu cực đoan.

300 triệu USD cho bộ đồ bay lên Mặt Trăng

Theo các ước tính mới nhất, ngành công nghiệp vũ trụ thế giới sẽ đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2040, tăng gấp 3 so với doanh thu hiện nay là 350 tỷ USD. Hiện nay, ba cái tên tiêu biểu thường được nhắc tới trong cuộc đua không gian nóng bỏng là hai tỷ phú Mỹ - Jeff Bezos và Elon Musk, và tỷ phú người Anh Richard Branson. Ông Branson đã bay trước ông Bezos (cựu CEO của tập đoàn khổng lồ Amazon) khi biến du lịch vũ trụ thành hiện thực vào ngày 11/7 vừa qua.

Sau đó, ngày 20/7, ông Bezos đi vào không gian bằng tàu không gian và tên lửa đẩy của Blue Origin, công ty vũ trụ tư nhân của ông. Doanh nhân Nhật Bản Yusaku Maezawa dự định bay đến Mặt Trăng vào năm 2023 theo chương trình được tổ chức bởi công ty SapceX thuộc sở hữu của Elon Musk, người chưa bay lên vũ trụ tính tới thời điểm này.

Và trong suốt 4 năm qua, NASA của Mỹ đã đầu tư hơn 300 triệu USD để thiết kế và phát triển bộ đồ có tên xEMU. Mới đây, NASA tiết lộ bộ đồ vũ trụ với thiết kế mới nhất dành cho sứ mệnh Artemis (trong đó, Chính phủ Nhật cũng tham gia) nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng năm 2024 với 16 lớp và đủ linh hoạt để di chuyển trên địa hình gồ ghề. Các phi hành gia trong chương trình Artemis sẽ được mặc đồ xEMU, nghĩa đầy đủ là thiết bị di chuyển thăm dò ngoài hành tinh.

Là “thiết bị” vì bộ đồ được tạo thành từ hàng nghìn bộ phận, mỗi bộ phận được sản xuất từ nhiều nơi khắp nước Mỹ, trong đó có bộ phận phải cần tới một năm để hoàn thành. Bộ đồ này được tạo thành từ nhiều thành phần khác nhau và có thể dày tới 16 lớp.

Theo NASA, mỗi bộ xEMU đều có một hệ thống hỗ trợ di động, bao gồm một bình chứa nước để làm mát quần áo, hệ thống loại bỏ carbon dioxide và hệ thống vô tuyến liên lạc hai chiều. Ông Richard Rhodes - Phó trưởng bộ phận phát triển xEMU tại NASA - cho biết một trong những thành phần chính của xEMU là chất liệu làm mát. Bộ quần áo được trang bị các ống giúp lưu thông nước xung quanh phi hành gia, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và loại bỏ nhiệt khi họ hoàn thành công việc của mình.

Tuy nhiên, găng tay là một trong những bộ phận phức tạp nhất. Theo các phi hành gia, thiết kế găng tay cũ ngăn cản họ thực hiện nhiều tác vụ quan trọng. Sau nhiều giờ làm việc ngoài không gian, găng tay có thể thít vào ngón tay họ. Ngoài ra, ngón tay cũng bị lạnh nên các bộ phận sưởi ấm cũng cần được tích hợp vào găng tay.

Phần thân bộ đồ cho phi hành gia được làm từ nhựa tổng hợp và đầu ngón tay dệt từ sợi Kevlar chống đạn. Bên ngoài bộ đồ có các sọc màu đặc trưng để phân biệt thành viên phi hành đoàn khi đi ra ngoài không gian. Ông Rhodes cho biết thách thức lớn nhất khi thiết kế xEMU là phải làm bộ đồ “đủ nhẹ để dễ dàng thực hiện các thao tác trên bề mặt gồ ghề của mặt trăng nhưng cũng phải đủ chắc chắn để bảo vệ phi hành gia khi làm việc trong môi trường nguy hiểm.”

Canada quyết tâm không đứng ngoài cuộc

Cuối tháng 5/2021 vừa qua, Chính phủ Canada thông báo kế hoạch đưa tàu thăm dò tự động lên Mặt Trăng trong 5 năm tới, thể hiện quyết tâm của nước này trong việc trở thành "một phần của lịch sử ngành không gian vũ trụ" thế giới. Bộ Sáng tạo, Khoa học và Công nghiệp Canada cũng thông báo Cơ quan Vũ trụ hàng không Canada (CSA) sẽ hợp tác với NASA.

Theo kế hoạch, hai công ty của Canada sẽ được lựa chọn để phát triển các mẫu thiết kế cho thiết bị thăm dò và các công cụ khoa học khác để phục vụ sứ mệnh này của Canada. Một phi hành gia Canada cũng sẽ tham gia sứ mệnh khám phá Mặt Trăng lần đầu tiên vào năm 2023, một phần trong dự án Artemis II của NASA.q

 

Ông Francois-Philippe Champagne - Bộ trưởng Bộ Sáng tạo, Khoa học và Công nghiệp Canada, giải thích: “Chúng tôi nhận thấy mối quan tâm toàn cầu cho lĩnh vực không gian và ngành công nghiệp không gian đang phát triển. Cả thế giới đang nhìn về những ngôi sao và chúng tôi sẵn sàng đưa Canada trở thành một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ và sáng tạo”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần