Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 của Campuchia về đích sớm

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 của Campuchia hiện không chỉ cao hơn phần lớn các quốc gia Đông Nam Á, mà còn vượt nhiều nước giàu nhất thế giới.

Một trong những khía cạnh ít được dự báo gần đây trong câu chuyện chống dịch Covid-19 ở Đông Nam Á, là thành công đáng chú ý của Campuchia trong chiến lược phân phối vaccine. Tính tới ngày 6/9, khoảng 2/3 dân số nước này đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ là 53%. Ngoài Singapore với hơn 3/4 dân số được tiêm vaccine đầy đủ, đây là quốc gia tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất ở Đông Nam Á.
 Tỷ lệ tiêm vaccine tại Campuchia hiện đứng thứ hai Đông Nam Á. Ảnh: Diplomat 
Tháng trước, Mekong Strategic Partners - một công ty tư vấn và đầu tư có trụ sở tại Phnom Penh, đã công bố báo cáo khẳng định rằng nước này “đang trên đà hoàn thành chương trình của mình sớm khoảng 8 tháng so với kế hoạch”.
Với tỷ lệ hiện nay, báo cáo trên nhận định, Campuchia sẽ đạt được tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ là 70% vào 21/9/2021, trong khi Philippines đặt mục tiêu là 22/7/2022, Indonesia và Thái Lan là 22/7/2022.
Theo báo cáo của Mekong Strategic Partners (MSP), Campuchia cũng là một trong những nước đầu tiên tiêm vaccine Covid-10 cho trẻ em. Hiện Campuchia đang tiêm vaccine cho nhóm 12 - 17 tuổi và chuẩn bị tiêm cho nhóm 10 - 11 tuổi nhằm mở cửa trường học an toàn.
Trong khi đó, Phnom Penh là một trong những thủ đô mà người dân được tiêm vaccine nhiều nhất thế giới, với khoảng 99% dân số trưởng thành đã được tiêm vaccine đầy đủ. Theo báo cáo của MSP, điều này sẽ giúp Campuchia có điều kiện thuận lợi để dỡ bỏ lệnh phong tỏa, cũng như các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, và tái khởi động nền kinh tế sớm hơn so với nhiều quốc gia khác.
Điều gì đã giúp Campuchia thành công trong chiến lược phân phối vaccine? Rõ ràng, các yếu tố về địa lý và dân số tương đối nhỏ (khoảng 16,5 triệu người), đã giúp Campuchia thuận lợi hơn trong việc thực hiện chiến lược tiêm chủng trên diện rộng.
Tuy nhiên, báo cáo của MSP cũng nhấn mạnh đến "kế hoạch phân phối vaccine khoanh vùng đơn giản và rõ ràng, dựa trên khu vực thay vì dựa trên độ tuổi" của chính phủ Campuchia, cùng với việc áp dụng quy định tiêm vaccine bắt buộc với nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lực lượng vũ trang và nhân viên công vụ. Ngoài ra, những nỗ lực của chính phủ cũng được hỗ trợ bởi tỷ lệ thấp những người có tâm lý ngần ngại tiêm vaccine so với nhiều quốc gia khác.
Yếu tố quan trọng không kém là những nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Hun Sen nhằm đảm bảo có đủ nguồn cung vaccine để tiêm cho người dân. Theo báo cáo trên, Campuchia đã cố gắng có được vaccine "bằng tất cả các giải pháp có thể", từ việc nhận hỗ trợ qua sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngoại giao vaccine và mua trực tiếp từ một số quốc gia.
Phần lớn nguồn cung vaccine của Campuchia, khoảng 27 triệu trong số 30 triệu liều nhận được cho tới nay, đến từ Trung Quốc. Mặc dù vaccine bất hoạt do Sinopharm và Sinovac BioTech phát triển có hiệu quả thấp hơn so với các vaccine mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất nhưng rõ ràng, các loại vaccine Trung Quốc đã giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở Campuchia, thậm chí cả khi biến thể Delta đang lây lan mạnh tại nước này.