Chiến dịch truyền thông phòng, chống Covid-19: Những dấu ấn khó quên

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chiến dịch truyền thông không ngừng nghỉ về phòng, chống đại dịch Covid-19, với quan điểm việc cung cấp thông tin phải bảo đảm “Kịp thời - Minh bạch - Chính xác và Tin cậy”, chúng ta đã huy động sức mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam, phát huy hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, huy động các lực lượng, các phương tiện, kết hợp truyền thống và hiện đại, sử dụng triệt để các hình thức tạo ra chiến dịch truyền thông với những dấu ấn thật sự ấn tượng.

Phóng viên tác nghiệp tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Phạm Hùng
Với quan điểm “thắng truyền thông mới thắng được dịch”, hệ thống tuyên giáo từ T.Ư đến các tỉnh, TP đã có những chỉ đạo sát sao và kịp thời, mang tính định hướng để các cơ quan quản lý truyền thông phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện tốt việc cung cấp thông tin khách quan, chính xác, đáp ứng đủ nhu cầu thông tin của người dân.
Ngay từ những ngày chống dịch đầu tiên, các cơ quan thông tấn, báo chí, các đài phát thanh truyền hình cả ở T.Ư lẫn địa phương đều đã chủ động nhập cuộc, tăng thêm thời lượng, mở thêm chuyên mục, bố trí thêm phóng viên, biên tập viên để khai thác mọi chủ đề của đời sống liên quan tới dịch bệnh, không ngại các điểm nóng, ổ dịch, thực hiện cập nhật thông tin 24/7, làm sao để có được những thông tin chỉ đạo điều hành, tình hình dịch bệnh, khuyến cáo phòng ngừa mới nhất, cập nhật nhất để phục vụ nhu cầu của công chúng.
Nhờ đó, mà các thông tin chính thống, chính xác về phòng, chống dịch tạo một dòng chảy chủ đạo của truyền thông trong phòng chống đại dịch. Tạo được niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, sự tham gia của các cấp, các ngành.
Việc phát huy những lợi thế của CNTT trong cuộc cách mạng 4.0, các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông đã đưa những ứng dụng (app) để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phòng chống dịch; giúp người dân khai báo y tế và cập nhật tình trạng sức khỏe của mình. Việt Nam là quốc gia đầu tiên áp dụng tờ khai y tế điện tử; ứng dụng nCoVI được đẩy mạnh; các khuyến cáo từ hệ thống điện thoại di động, từ các tiện ích trên mạng đi động được áp dụng triệt để.
Chỉ trong một thời gian ngắn các khuyến cáo về phòng chống dịch, hơn 15 tỷ tin nhắn được các nhà mạng viễn thông gửi đến các số thuê bao di động, hơn 5 tỷ bản tin được Zalo chuyển đến người sử dụng và ít quốc gia nào áp dụng những lời thoại trước mỗi cuộc gọi đối với tất cả các thuê bao.
Đặc biệt là cách tiếp cận truyền thông chủ động, cởi mở, minh bạch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các bộ, ngành đã nhận được sự cộng hưởng tích cực của người dân. Những hình thức thông tin, tuyên truyền qua hệ thống tuyên giáo, thông tin cơ sở lần này được phát huy tối đa, tận dụng hiệu quả. Nắm được thông tin về diễn tiến dịch bệnh, tin tưởng vào chất lượng thông tin, người dân tự thấy mình cũng có trách nhiệm tham gia vào sự nghiệp chung “cả nước chống giặc Covid”.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với người dân trong vùng dịch Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Thông qua mạng xã hội, thông qua giao tiếp trực tiếp, người dân đã chủ động chia sẻ thông tin đúng về phòng, chống dịch và những khuyến cáo có lợi cho sức khỏe; phối hợp bác bỏ tin giả, tin sai sự thật; cổ vũ động viên những lực lượng tham gia chống dịch như thầy thuốc, bộ đội, công an…; lên án những cá nhân có hành vi sai trái, không phù hợp, ảnh hưởng xấu đến công cuộc chống dịch.
Bên cạnh đó, người dân đã vô cùng sáng tạo khi biến những khuyến cáo phòng, chống dịch có phần khô khan thành những câu vè, những bài đồng dao, hay đặt lời mới cho những làn điệu dân ca gần gũi của quê hương mình và những bài hát nổi tiếng để những nội dung truyền thông phòng, chống dịch trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc và đi vào lòng người.
Một trong những thành công nữa là sự làm việc không biết mệt mỏi của các lực lượng an ninh mạng; đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái thù địch; những tư tưởng chủ quan gieo rắc sự hoài nghi với các chủ trương chính sách của Nhà nước ta trong phòng chống dịch bệnh; cuộc chiến không có thời gian và không gian với những thế lực thù địch, với những kẻ tận dụng dịch bệnh, sống bằng dịch bệnh đã xây dựng nên lòng tin của người dân với Đảng, Chính phủ trong trận chiến chống lại đại dịch.
Những hình ảnh của các nhà báo cùng với những tấm áo trắng của người thầy thuốc ngày đêm bám trụ; có nhiều tờ báo, nhiều nhà báo xin được vào ăn cùng, làm cùng, cách ly cùng với các thầy thuốc là những hình ảnh không bao giờ quên trong trận chiến này. Có gia đình nhà báo cả hai vợ chồng đều tham gia tường thuật những nỗ lực chống dịch; có nhà báo bám trụ đưa tin từ Ban chỉ đạo, từ bệnh viện, từ cơ sở suốt mấy tháng trời.
Có những nhà báo phải gửi con về quê cho bố mẹ trông giúp để tác nghiệp vào bất cứ thời điểm nào. Có những nhà báo bám biên cùng với các chiến sĩ biên phòng, ăn núi ngủ rừng nhiều đêm ngày. Có nhiều nhà báo vừa tác nghiệp, vừa vận động bà con hỗ trợ trang thiết bị, nhu yếu phẩm, kinh phí cho các lực lượng phòng chống dịch. Tất cả các tấm gương đó đã làm lên những chiến thắng này.
Nhìn lại lịch sử dân tộc, trong các cuộc chiến tranh thần thánh, những bài hát, những vần thơ là niềm động viên to lớn đối với những chiến sĩ, Nhân dân để đi đến ngày chiến thắng thì trận chiến chống dịch Covid-19 cũng đã lần nữa thể hiện một Việt Nam sáng tạo, đi đầu trong xu thế truyền thông phòng dịch của thế giới với bài hát nổi tiếng Ghen CoV được dịch ra rất nhiều thứ tiếng; những ca khúc kêu gọi toàn dân đoàn kết chống dịch, động viên tinh thần những con người trên tuyến đầu chống dịch, buổi hòa nhạc với sự tham gia tự nguyện của các nghệ sĩ hàng đầu…
Việc phối hợp thực hiện đồng thời công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch trên các chiến tuyến, trận tuyến đã mang lại thắng lợi trong cuộc chiến truyền thông phòng, chống dịch và góp phần vào thành tích chung trong việc kiểm soát đại dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần