Chiến lược mới của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tài liệu đánh giá “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ” được Nhà Trắng công bố hôm 11/2, Washington tuyên bố sẽ tập trung sâu vào từng vùng trong khu vực, từ Nam Á đến các đảo Thái Bình Dương, để củng cố vị thế và sự cam kết của nước Mỹ.

Tài liệu dài 12 trang được công bố trong năm thứ 2 của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, cam kết thúc đẩy Mỹ tham gia sâu hơn vào Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo Straits Times, ông Biden là Tổng thống Mỹ thứ 3 trong những thập kỷ gần đây cam kết tập trung nhiều hơn vào Ấn Độ - Thái Bình Dương sau 2 người tiền nhiệm Barack Obama và Donald Trump.

Trong chiến lược mới, Mỹ dự kiến thúc đẩy xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và các quốc gia cam kết tuân theo trật tự dựa trên luật lệ. Ngoài việc duy trì tham gia các sự kiện như Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN, Mỹ sẽ tìm kiếm các cam kết cấp bộ trưởng mới với ASEAN, đồng thời thực hiện các sáng kiến mới giữa Mỹ và ASEAN trị giá hơn 100 triệu USD. Mỹ cũng sẽ mở rộng hợp tác song phương tại Đông Nam Á, ưu tiên các nỗ lực tăng cường an ninh, y tế, giải quyết các thách thức hàng hải, tăng cường kết nối và làm sâu sắc hơn giao lưu nhân dân.

Chiến lược mới cũng kêu gọi gắn kết các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương với châu Âu theo những cách thức mới, như thông qua hiệp ước an ninh AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ. Chiến lược cam kết hỗ trợ khu vực chống biến đổi khí hậu và phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng như chống lại các mối đe dọa xuyên biên giới khác.

Việc Nhà Trắng công bố tài liệu chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương diễn ra khi Ngoại trưởng Antony Blinken đang công du tại khu vực để nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ đối với khu vực, ngay cả khi Washington đang vật lộn với sự bế tắc với Moscow ở châu Âu.

“Sự tập trung ngày càng tăng này của Mỹ một phần là do Ấn Độ - Thái Bình Dương phải đối mặt những thách thức ngày càng lớn, đặc biệt là từ phía Trung Quốc… đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ khi theo đuổi ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và tìm cách trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới, " Nhà Trắng cho biết.

Giới chuyên gia nhận định, điểm nổi bật trong chiến lược mới của Mỹ là tập trung vào kiềm chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại khu vực, vốn đã gia tăng trong thập niên qua. Tài liệu đã nhắc lại kế hoạch của Mỹ về việc khởi động “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” vào đầu năm nay, mà chính quyền Biden hy vọng ít nhất sáng kiến này sẽ lấp đầy lỗ hổng lớn trong cam kết của Mỹ với khu vực kể từ khi cựu Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Trong tài liệu, Washington cho biết mục tiêu của mình “không phải là thay đổi Trung Quốc mà là định hình môi trường chiến lược mà nước này hoạt động, xây dựng sự cân bằng ảnh hưởng trên thế giới có lợi tối đa cho Mỹ, các đồng minh và đối tác, và những lợi ích và giá trị mà nước này chia sẻ."

“Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình, ngăn chặn sự gây hấn về quân sự chống lại đất nước cũng như các đồng minh và đối tác của chúng tôi - gồm cả trên eo biển Đài Loan - và thúc đẩy an ninh khu vực bằng cách phát triển các năng lực mới, các khái niệm hoạt động, các hoạt động quân sự, các sáng kiến công nghiệp quốc phòng và một thế trận kiên cường hơn, " Nhà Trắng nhấn mạnh.

SCMP dẫn lời giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định, khuôn khổ kinh tế mới theo chiến lược của Washington có khả năng loại trừ Trung Quốc, và Mỹ có thể tìm cách xây dựng một “môi trường chiến lược” vốn có thể sẽ khó khăn đối với Bắc Kinh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

“Mỹ đã nói rằng họ sẽ không tìm cách thay đổi Trung Quốc, có nghĩa là họ sẽ không tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc mà xây dựng một môi trường chiến lược có lợi cho các đồng minh và đối tác của mình. Mỹ sẽ cố gây khó khăn cho Trung Quốc, " vị giáo sư nêu quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần