Không chỉ mang ý nghĩa của một trận bóng đá cấp câu lạc bộ, chiến thắng của Manchester City trước Inter Milan trong trận chung kết UEFA Champions League vào hôm 11/6 đã một lần nữa khẳng định tham vọng nâng tầm ảnh hưởng của UAE nói riêng và Trung Đông nói chung.
Đứng sau thành công của nhà đương kim vô địch C1 này là sự hậu thuẫn vững chắc đến từ hoàng tộc Ả Rập, với ông chủ Sheikh Mansour bin Zayed - anh trai của tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Mohammed bin Zayed.
Tất nhiên, chiến thắng của câu lạc bộ thành Manchester cũng một phần đến từ sự hỗ trợ tài chính của UAE, khi quốc gia này và Qatar đang dồn nhiều nguồn lực vào môn thể thao vua. Các quốc gia vùng Vịnh đã cố gắng tận dụng môn thể thao nhằm đa dạng hóa kinh tế cũng như cải thiện hình ảnh của họ trong mắt bạn bè quốc tế.
Vào năm 2008, ông chủ UAE Sheikh Mansour đã mua lại Man City và kể từ đó đã chi nhiều tiền cho các vụ chuyển nhượng hơn bất kỳ câu lạc bộ bóng đá nào khác. Theo dữ liệu từ Transfermarkt.com, ước tính chi tiêu chuyển nhượng ròng của câu lạc bộ kể từ năm 2008 lên tới 1,64 tỷ USD - vượt xa đại kình địch Manchester United trong cùng thời điểm khoảng 200 triệu USD.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư này đã bị chỉ trích, với việc Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng khoản chi tiêu của UAE là một trong những “nỗ lực trơ trẽn” nhất của bóng đá nhằm rửa sạch những tai tiếng của quốc gia này.
“Thành công mà Manchester City đang đạt được không chỉ là phù phiếm, hay chỉ riêng lợi ích kinh tế mà còn giúp nâng tầm quyền lực mềm, uy tín, vị thế quốc gia - Trả lời phỏng vấn của CNBC vào hôm 9/6, Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh Skema.
Ả Rập Saudi
Một quốc gia vùng vịnh khác là Ả Rập Saudi cũng đang dồn mọi nguồn lực vào bóng đá. Trong đó, vào năm 2021, quỹ đầu tư công của quốc gia này (PIF) đã mua phần lớn cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Anh Newcastle United.
Không những vậy, quỹ này cũng tài trợ cho giải đấu LIV Golf trước khi một vụ sáp nhập đầy bất ngờ vào tuần trước giữa giải đấu này và PGA Tour có trụ sở tại Mỹ.
Trong những tuần gần đây, PIF đã mua 75% cổ phần của bốn câu lạc bộ của đất nước mình, với mục đích mua lại một số cầu thủ bóng đá hàng đầu châu Âu.
Karim Benzema, cầu thủ giành Quả bóng vàng 2022, đã ký một hợp đồng trị giá 100 triệu euro/ mùa (107,7 triệu đô la Mỹ) với Câu lạc bộ Al-Ittihad, trong khi có những đồn đoán về việc một số cầu thủ quốc tế nổi tiếng khác đang được săn đón.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tuần trước, Thống đốc PIF Yasir Al-Rumayyan đã nhấn mạnh lợi thế nhân khẩu học trẻ của Ả Rập Saudi khi vạch ra chiến lược thể thao của quốc gia này.
“Trước đây, khoảng 8 hoặc 5 năm trước, chúng tôi đã tạo ra số lượng liên đoàn khác nhau cho mỗi môn thể thao. Vì vậy, không chỉ riêng gôn, bóng đá hay bóng rổ mà chúng tôi còn quan tâm đến tất cả các môn thể thao khác nữa”.
Qatar
Vào năm 2011, ông lớn của bóng đá Pháp Paris Saint-Germain đã được mua lại bởi Qatar Sports Investments, một công ty con của quỹ tài sản công Quata.
Giờ đây, một tỷ phú từ đất nước này đang cố gắng mua Manchester United sau khi gia đình Glazer – chủ sở hữu người Mỹ của câu lạc bộ - thông báo rằng họ sẽ tìm kiếm những sự lựa chọn thay thế mang tính chiến lược cho câu lạc bộ.
Cựu thủ tướng Qatar Sheikh Jassim bin Hamad al-Thani đanh cạnh tranh với người sáng lập INEOS Jim Ratcliffe nhằm mua lại Manchester United.
Nếu Qatar thành công với giá thầu 6,3 tỷ USD, thì đó sẽ là một thành công mang tầm thế kỷ đối với Trung Đông, đặc biệt là khi mà danh tiếng của “quỷ đỏ thành Manchester” đã được khẳng định từ lâu, cũng như lượng người hâm mộ hùng hậu trên toàn thế giới.
Những gì sẽ xảy đến?
Theo ông Chadwick, dù ai mua lại Manchester United đi nữa thì sự quan tâm của Trung Đông đối với các câu lạc bộ bóng đá sẽ khó có thể kết thúc sớm.
Ông cho biết: “Tôi nghĩ những gì chúng ta đã thấy trong 20 năm qua và có thể trong 20 năm tới là sự đầu tư liên tục vào thể thao của các quốc gia vùng vịnh này”.
“Điều này sẽ giúp họ đa dạng hóa hơn nguồn lợi đối với đất nước mình, bên cạnh lợi ích kinh tế”– Ông cho biết thêm