Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

GDP nhiều nền kinh tế châu Á tăng trưởng bất chấp bất ổn toàn cầu

Kinhtedothi – Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động bởi rào cản thuế quan mới từ Mỹ và căng thẳng địa chính trị leo thang, một số nền kinh tế lớn tại châu Á vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore nổi bật với khả năng duy trì đà phục hồi, bất chấp nhiều sức ép từ bên ngoài.

Hoạt động công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng của nhiều nền kinh tế châu Á giữa bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Ảnh: WAF

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ghi nhận mức tăng trưởng GDP 5,2% trong quý II/2025, nhỉnh hơn mức dự báo 5,1% của giới phân tích quốc tế. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,3%, tiệm cận mục tiêu 5% mà Chính phủ nước này đề ra.

Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Nhiều doanh nghiệp phương Tây tranh thủ đặt hàng sớm trước thời điểm Mỹ áp thuế mới đối với hàng hóa công nghệ cao của Trung Quốc. Sản xuất công nghiệp trong quý II tăng mạnh 6,8%, vượt xa mức trung bình của các quý trước.

Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước vẫn chưa phục hồi rõ rệt. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 4,8%, cho thấy tâm lý thắt chặt chi tiêu. Lĩnh vực bất động sản tiếp tục là điểm nghẽn lớn, khi đầu tư vào nhà ở giảm hơn 11% trong nửa đầu năm. Một số chuyên gia quốc tế bày tỏ hoài nghi về độ tin cậy của dữ liệu, cho rằng áp lực chính trị khiến các địa phương có thể báo cáo số liệu cao hơn thực tế.

Trong khi đó, Ấn Độ duy trì vị trí là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. GDP quý I/2025 của nước này tăng 7,4%, vượt xa mức kỳ vọng 6,7%. Đây là quý tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm 2023.

Tiêu dùng cá nhân, đầu tư công và dòng vốn FDI tăng mạnh là những yếu tố then chốt góp phần vào kết quả này. Dữ liệu cho thấy tiêu dùng nông thôn tăng ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho toàn bộ nền kinh tế.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global vừa nâng dự báo tăng trưởng cho năm tài khóa 2025–2026 của Ấn Độ lên 6,5%. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho biết sẽ theo dõi sát tình hình giá lương thực và nhiên liệu, đồng thời sẵn sàng điều chỉnh lãi suất nếu xuất hiện rủi ro lạm phát.

Singapore cũng ghi nhận mức tăng trưởng quý vượt dự báo. GDP quý II/2025 tăng 4,3% so với cùng kỳ, trong khi trước đó nhiều chuyên gia dự đoán mức tăng chỉ khoảng 3,5%. Đây là tín hiệu tích cực sau khi GDP quý I ghi nhận mức giảm nhẹ, khiến đảo quốc đối mặt với nguy cơ suy thoái kỹ thuật.

Nguyên nhân chính đến từ sự tăng vọt của hoạt động xuất khẩu.. Các doanh nghiệp điện tử và bán dẫn Singapore nhận được nhiều đơn hàng đột biến từ Mỹ và châu Âu, trong bối cảnh thế giới chuẩn bị đối mặt với hàng rào thuế quan mới từ Washington.

Dù vậy, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore vẫn giữ dự báo tăng trưởng cả năm ở mức 0–2%. Nhu cầu toàn cầu chưa thực sự phục hồi ổn định, trong khi các ngành tài chính, bất động sản trong nước có dấu hiệu chững lại. Giá nhà ở cao và chi phí sinh hoạt tiếp tục gây áp lực lên tiêu dùng cá nhân.

Giữa bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, ba nền kinh tế lớn tại châu Á vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng nhờ sự chủ động trong điều hành và tận dụng hiệu quả các cơ hội thương mại. Mỗi quốc gia có một thế mạnh riêng: Trung Quốc dẫn đầu về sản xuất, Ấn Độ nổi bật với sức mua trong nước, còn Singapore linh hoạt trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.

Dù rủi ro bên ngoài vẫn hiện hữu, từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đến biến động tài chính, các nền kinh tế châu Á đang cho thấy vai trò đầu tàu trong phục hồi toàn cầu năm 2025.

Trong khi châu Á giữ vững đà phục hồi, khu vực đồng euro vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Theo Eurostat, GDP toàn khối tăng 0,6% trong quý I/2025 so với quý trước. Đây là dấu hiệu tích cực đầu tiên sau chuỗi thời gian tăng trưởng đình trệ. Tuy vậy, dự báo cả năm vẫn khá dè dặt. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ước tính tăng trưởng eurozone chỉ đạt khoảng 0,9–1,0% trong năm 2025.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, GDP quý I/2025 tăng 0,4%. Con số này giúp nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái kỹ thuật sau hai quý suy giảm liên tiếp. Tuy nhiên, các tổ chức như Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) cảnh báo tăng trưởng cả năm có thể rơi xuống mức âm 0,3% nếu xuất khẩu và sản xuất không phục hồi.

Nguy cơ đóng cửa eo biển Hormuz khiến các nền kinh tế châu Á "nhấp nhổm"

Nguy cơ đóng cửa eo biển Hormuz khiến các nền kinh tế châu Á "nhấp nhổm"

Căng thẳng thương mại khiến kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ giảm tốc kéo dài

Căng thẳng thương mại khiến kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ giảm tốc kéo dài

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Mỹ tiên phong "khai tử" màu thực phẩm

Mỹ tiên phong "khai tử" màu thực phẩm

15 Jul, 10:48 AM

Kinhtedothi – Hơn 40 hãng sản xuất kem lớn tại Mỹ vừa tuyên bố sẽ loại bỏ hoàn toàn phẩm màu nhân tạo khỏi sản phẩm trước năm 2028, đánh dấu bước đi mới trong xu hướng thực phẩm “sạch màu” đang trở nên phổ biến tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ