Tuy nhiên thực tế, mặc dù chiều cao này đã hơn mặt bằng chung của cả nước nhưng tầm vóc của thanh niên Hà Nội vẫn thấp hơn nhiều so với các nước đang phát triển trong khu vực.
10 năm tăng 2 – 3cm
Đại diện Chi cục Dân số Kế hoạch hoa gia đình Hà Nội Nguyễn Đình Lân cho biết, kết quả nghiên cứu gần đây tại 4 quận, huyện của Hà Nội với trên 1.500 người từ 6 tuổi trở lên tham gia cho thấy, sau 10 năm, chiều cao của người Hà Nội đã tăng lên từ 2 - 3cm (nam cao 166cm, nữ 155cm). Trong khi đó, cùng thời gian này tại Nhật Bản, chiều cao người dân của nước này tăng bình quân tới 5,2cm. Mặt khác, điều tra về dinh dưỡng năm 2010 ở Việt Nam cho thấy, sau 35 năm người Việt chỉ cao thêm 4cm. Cụ thể, năm 2015, chiều cao người trưởng thành ở nam mới đạt 164,4cm và nữ đạt 153,4cm, thấp hơn chiều cao trung bình của thế giới là 15,4cm đối với nam và 10,3cm đối với nữ. Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, các nước trên thế giới tập trung phát triển chiều cao ở trẻ từ khi còn học mẫu giáo, tiểu học. Họ tập trung xây dựng phòng giáo dục thể chất, sân thể thao, bể bơi ngay tại các trường tiểu học, trường mẫu giáo. Nhưng ở Việt Nam chỉ tập trung xây dựng nhà tập thể chất tại các trường Trung học phổ thông, đại học, còn bậc tiểu học lại bị lãng quên.
Bên cạnh đó, theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng đã thực hiện 7 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng và 5 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng trên trẻ em cho thấy, bổ sung sữa có thể giúp cải thiện chiều cao thêm 0,4cm/năm. Tuy nhiên ở Việt Nam , người dân đang uống bia gấp 3 lần uống sữa. Thực tế, trung bình mỗi người Việt chỉ sử dụng 12 lít sữa/năm, trong khi lượng bia tiêu thụ lên tới 38 lít/người. Bà Mai đưa ra dẫn chứng, tại Nhật Bản, chiều cao của trẻ được cải thiện rất nhiều là nhờ đưa sữa vào chương trình bữa ăn học đường quốc gia. Ngoài ra, nguyên nhân khiến người Việt chậm tăng trưởng chiều cao do chế ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều đạm, chất béo nhưng lại không đủ vitamin và khoáng chất; do yếu tố di truyền; do người Việt còn “lười” vận động, thể dục, thể thao. Đặc biệt, môi trường ô nhiễm, nhiều dịch bệnh như hiện nay cũng tác động không nhỏ đến việc tăng trưởng của thế hệ trẻ.
Tập trung tăng chiều cao ngay khi trong bụng mẹ
TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chỉ ra rằng, chiều cao của con người phụ thuộc vào giai đoạn tiền thai, giai đoạn có thai, giai đoạn sinh con và giai đoạn nuôi con đến 2 tuổi. Tất cả những chăm sóc y tế và dinh dưỡng cho các giai đoạn đó quyết định đến chiều cao của người trưởng thành. TS Lê Danh Tuyên phân tích, khi 3 tuổi mà cao 85,3cm thì dù có chăm sóc tốt đến lúc trưởng thành cố gắng lắm cũng chỉ cao 1m58m. Khi 3 tuổi mà cao 94,5cm đến lúc trưởng thành sẽ cao 1m7. 1.000 ngày vàng từ giai đoạn tiền thai đến lúc con 2 tuổi là cơ hội đừng bỏ lỡ. Khi 2 tuổi trẻ cao bao nhiêu thì tương ứng đến trưởng thành sẽ cao bấy nhiêu. Khi đã bị suy dinh dưỡng stunting (thấp còi), dù có chăm sóc tốt đến mấy, kể cả có giai đoạn phát triển bắt kịp (catch up) không bao giờ bằng đứa trẻ lúc 2 tuổi với chỉ số bình thường. Do vậy, giai đoạn 3 năm đầu đời của trẻ sẽ quyết định tương lai của cả cuộc đời. "Khi một phụ nữ mang thai khỏe mạnh sẽ sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh. Do đó, muốn nâng cao tầm vóc của người dân, ngay từ bây giờ phải tập trung vào đối tượng phụ nữ mang thai" - TS Lê Danh Tuyên nhấn mạnh.
Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng đề án “Phát triển thể chất, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, đề án sẽ chú trọng tới việc bổ sung một số phương pháp dạy thể dục chính khóa; tăng cường hoạt động ngoại khóa cho hệ thống các trường phổ thông theo hướng coi trọng thể dục, thể thao và vui chơi, giải trí, đối tượng được ưu tiên là trẻ em các trường mầm non, học sinh tiểu học. Đồng thời, đề án sẽ xây dựng những chương trình cụ thể như chương trình “sữa học đường”, hoạt động thể chất, dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai. |