Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiêu lừa “học sinh nợ tiền hàng” - Cảnh giác tránh sập bẫy kẻ gian

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo các chuyên gia pháp luật, nếu phụ huynh được thông báo về việc phải nộp tiền vì bất kì lý do gì, cần phải xác minh rõ thông tin qua tổ chức, cá nhân có liên quan xem đúng sự thật hay không, tránh để tâm lý không bình tĩnh dễ sập bẫy kẻ gian.

Cảnh giác chiêu lừa đảo mới “học sinh nợ tiền hàng”

Ngày 27/3, Công an TP Hà Nội thông báo tới các phụ huynh, học sinh, các thầy cô và người dân về chiêu lừa đảo mới xuất hiện: Gọi điện thông báo cho phụ huynh việc con em mình “nợ tiền hàng”. Vì nợ tiền mua hàng, học sinh phải để lại thẻ, do đó, đối tượng yêu cầu phụ huynh gửi tiền vào số tiền khoản mà đối tượng cung cấp để thanh toán nợ cho con em mình.

Công an TP Hà Nội thông báo về chiêu lừa đảo mới xuất hiện: Gọi điện thông báo cho phụ huynh việc con em mình “nợ tiền hàng”. Ảnh minh hoạ
Công an TP Hà Nội thông báo về chiêu lừa đảo mới xuất hiện: Gọi điện thông báo cho phụ huynh việc con em mình “nợ tiền hàng”. Ảnh minh hoạ

Trước đó, theo phản ánh của hiệu trưởng một trường học trên địa bàn Hà Nội, ngày 23/3, một giáo viên đã báo cáo sự việc: Có phụ huynh của trường nhận được cuộc gọi của người lạ thông báo con mình đã mua hàng, đồ ăn, quần áo, vật dụng… nhưng chưa trả đủ tiền, phải để lại thẻ học sinh nên đối tượng yêu cầu phụ huynh này gửi tiền vào số tiền khoản mà đối tượng cung cấp để thanh toán nốt số tiền còn thiếu cho con mình. Khi phụ huynh này gọi lại vào số điện thoại nhắn tin thì không liên lạc được. Ngay sau đó, phụ huynh đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để xác minh nên không sập bẫy của kẻ lừa đảo.

Trước chiêu lừa đảo trên, Công an TP Hà Nội đã đưa ra cảnh báo để người dân cảnh giác. Thời gian qua, kẻ xấu đã dùng rất nhiều chiêu trò để lừa đảo phụ huynh, học sinh như mạo danh nhà trường hoặc bệnh viện thông báo học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp để cứu con.

Do nhiều người chưa biết chiêu trò này và mất bình tĩnh khi nghe tin con mình gặp nạn nên đã chuyển tiền để cho con được phẫu thuật gấp. Tuy nhiên, sự thật là các con không gặp tai nạn, đây chỉ là kịch bản mà các đối tượng lừa đảo dựng lên để đánh lừa các bậc phụ huynh nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.

Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước các cuộc gọi thông báo từ bệnh viện, nhà trường về việc người thân, học sinh “nợ tiền hàng”, “bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện”... Theo đó, cần phải bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền ngay cho đối tượng. Khi nhận được thông tin tương tự, người dân cần liên hệ ngay với nhà trường, cơ sở y tế để xác minh thông tin và trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.

Tránh để tâm lý không bình tĩnh dễ sập bẫy kẻ gian

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, học sinh là đối tượng nhạy cảm, thường dễ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, phạm tội. Bởi theo tâm lý thông thường của các phụ huynh luôn muốn chăm sóc tốt nhất cho con, luôn tồn tại những trạng thái lo lắng, bất an về sự an toàn của con trong mọi hoàn cảnh.

Công an TP Hà Nội cảnh báo người dân
Công an TP Hà Nội cảnh báo người dân

Đánh vào đặc điểm tâm lý này, đối tượng phạm tội có những thủ đoạn lừa đảo tinh vi như gọi điện thông báo cho cha mẹ về việc con em họ bị tai nạn giao thông cần nộp tiền viện phí gấp, hay mới đây đã xuất hiện thêm tình trạng gọi điện cho phụ huynh thông báo rằng con họ đã mua hàng nhưng chưa trả đủ tiền, phải để lại thẻ học sinh và yêu cầu phụ huynh phải chuyển tiền để thanh toán nốt số tiền còn lại.

Mặc dù không có cơ sở nào về kịch bản các đối tượng đưa ra là có thật những đã có quá nhiều nạn nhân, vì bị rơi vào hoàn cảnh hoang mang, lo lắng cho con cái nên rất khó nhận thức được đây là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản và đã bị thiệt hại với số tiền rất lớn.

Việc các đối tượng đã dùng những hành vi nhằm uy hiếp tinh thần người khác hoặc dùng những thủ đoạn gian dối nêu trên nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là có dấu hiệu của vi phạm. Theo đó, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ phải xét trên bản chất, mức độ và hậu quả của hành vi như thế nào, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, theo đó, các đối tượng sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đối với tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi.

“Thậm chí, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 170, Điều 174 Bộ luật Hình sự với hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến mức phạt cao nhất là chung thân” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nếu quan điểm.

Trong khi đó, theo luật sư Đinh Đức Duy - Đoàn Luật sư Hà Nội, cơ quan chức năng mặc dù đã vào cuộc điều tra, xử phạt nhưng rất khó để kiểm soát hay ngăn chặn triệt để được tình trạng lừa đảo trên bởi các đối tượng rất manh động, thường sử dụng những thông tin giả mạo, ẩn danh và luôn “cập nhật” những hình thức lừa đảo mới.

Do đó, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kì đối tượng nào khi chưa có thông tin cụ thể. Nếu được thông báo về việc phải nộp tiền vì bất kì lý do gì cần phải xác minh rõ thông tin qua trường lớp, bạn bè hay cá nhân, cơ quan tổ chức khác có liên quan xem đúng sự thật hay không, tránh để tâm lý không bình tĩnh dễ sập bẫy kẻ gian.

“Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý, thận trọng trong việc đưa thông tin cá nhân của bản thân, gia đình lên mạng xã hội hay cung cấp cho người lạ; hạn chế việc để lộ thông tin, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi phạm tội. Nếu gặp phải một trong các trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu của tội phạm, người dân cần trình báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ điều tra và giúp đỡ” - luật sư Đinh Đức Duy chia sẻ.