Miền quê hương từng "tôm vàng cá bạc" đứng trước nguy cơ cạn kiệt
“…Anh đến quê em đất biển Cà Mau
Anh thấy bao la cánh đồng muối trắng
Miền quê hương em cá bạc tôm vàng
Miền quê hương em đất cũng sinh sôi…”
Câu ca trong bài hát “Đất Mũi Cà Mau” mà nhiều người biết, đã thể hiện thực tế một thời đây là vùng đất nhiều tôm cá, thuỷ hải sản, tạo ra sự trù phú, phát triển của địa phương. Thập niên 1990 trở về trước, ở cả 3 hệ sinh thái mặn – lợ - ngọt của Cà Mau, nguồn lợi thủy sản nhiều, người dân người chưa từng nghĩ đến một ngày tôm cá cạn kiệt, việc đánh bắt gặp khó khăn. Trên biển Cà Mau, với vị trí đắc địa chót mũi giáp Vịnh Thái Lan, là nơi sinh trưởng lý tưởng của các loài thủy sản đã tạo nên nghề biển rất phát triển. Nhưng nay những mùa “hội cá đường” Gạch Gốc, Tân Ân, Ngọc Hiển chỉ còn là ký ức, giống cá Sủ vàng với giá trị kinh tế lớn gần như đã tuyệt chủng. Cà Mau đã nhiều năm vắng bóng cá khô đường đậm đà vị mặn của biển, lớp trẻ thậm chí từng chưa nghe nhắc tới.
Ở đất liền, mỗi đêm người dân xổ vuông hàng trăm ký hay hàng tấn tôm cá thiên nhiên là chuyện rất bình thường. “Hồi đó, tôm ở đây trúng lắm. Đứng trên bờ mà dậm chân một cái là tôm búng đục nước. Xổ vuông một đêm cả tấn tôm, cả nhà lựa từ 8h tối đến 8h sáng hôm sau chưa xong” – anh Tư Tỵ ở ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển nói.
Cũng thời gian đó, vùng ngọt Cà Mau lại nổi tiếng với đặc sản cá đồng. Là tỉnh duy nhất của ĐBSCL không hề nhận ngọt từ dòng Cửu Long, nhưng tôm cá vùng này nhiều vô số kể. Tập trung nhiều nhất ở vùng U Minh Hạ, Đầm Dơi, TP Cà Mau, U Minh…. Chỉ cần vài cần câu cắm, sau một đêm đã có dăm ba con cá trê, rô, lóc đồng cho bữa cơm. Hay chỉ cái lờ nhỏ đặt vài tiếng đã đủ ăn cả ngày. “Ngày trước, ở Đầm Dơi đi câu còn bắt được cả rùa đang đẻ. Thậm chí ngay tại TP Cà Mau, chài dưới sông, giăng lưới dưới kênh, đặt lợp trong ao đìa… cá tôm ăn không hết. Nhưng nay chỉ còn là ký ức đẹp về một thời đã xa” – anh Trần Văn Phương 48 tuổi, nhà ở phường 8 TP Cà Mau nói.
Những chỉ đạo "cứu" Cà Mau khỏi vấn nạn tận diệt thuỷ hải sản
"Cá bạc tôm vàng" là một thương hiệu của Cà Mau. Thế nhưng, đứng trước sự khai thác tận diệt của con người, biến đổi khí hậu… thương hiệu ấy đang trở nên mai một. Trước thực tế này, Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã có chủ trương táo bạo và quyết liệt: Đó là các cấp, các ngành tập trung thực hiên nghiêm Chỉ thị 17 - CT/TU ngày 26/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh.
Từ khi thực hiện Chỉ thị 17, các hộ dân đã tự giác, tự nguyện giao nộp 1.809 bộ dụng cụ kích điện mang tính khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản, 573 bộ dụng cụ kích điện khác bị tiêu hủy. Các đơn vị cấp huyện phối hợp với cấp xã đã tuần tra, kiểm tra phát hiện xử lý 618 vụ với số tiền xử phạt trên 2,5 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng công cụ kích điện khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép. Ngoài ra, xử phạt 01 trường hợp kinh doanh, tàng trữ dụng cụ xung điện trái phép với số tiền 12,5 triệu đồng và tịch thu 03 bộ kích điện…
Chỉ thị 17 đã tập hợp quần chúng trong tỉnh tham gia tích cực dưới hình thức các Tổ cộng đồng, tạo sức lan tỏa thu hút toàn dân cùng tham gia chống khai thác tận diệt, hủy diệt thuỷ hải sản. Tại huyện Đầm Dơi đã tổ chức xây dựng được 71 Tổ cộng đồng với 653 thành viên tham gia, huyện U Minh xây dựng được 04 Tổ cộng đồng với 258 thành viên tham gia, huyện Ngọc Hiển đang rà soát, chọn 07 điểm dự kiến xây dựng tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản.
1.580 người hành nghề khai thác thủy sản trên sông ký cam kết, tiến hành tháo dỡ các phương tiện đánh bắt
Tại Đầm Dơi, người dân đồng tình ủy hộ thực hiện Chỉ thị 17, đã có sự tham gia tích cực, nâng cao trách nhiệm, tạo thành phong trào toàn dân cùng tham gia vào các Tổ cộng đồng chống khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. “Huyện đã từng mở phiên tòa lưu động, sắp tới có thêm 1 trường hợp sẽ được xử lý tương tự nhằm nâng cao ý thức sâu sắc của người dân trong chống khai thác thủy sản tận diệt trên địa bàn” - ông Lê Minh Hiền Chủ tịch UBND huyện thông tin.
Theo ông Trần Hoàng Lạc Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, 1.580 người hành nghề khai thác thủy sản trên sông đã ký cam kết và đang tiến hành tháo dỡ các phương tiện đánh bắt như nò, đó, lú, hàng đáy…. “Huyện sẽ làm kiên quyết, không để tái diễn trở lại tình trạng khai thác tận diệt trên sông như thời gian qua, đặc biệt là trong khai thác giống, cá non…” - ông Trần Hoàng Lạc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phương Bắc Bí thư Huyện ủy Phú Tân chia sẻ: “Đó không chỉ ngăn chặn, phòng ngừa đối với khai thác tận diệt mà chính là đảm bảo an ninh trật tự địa bàn, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức xây dựng nông thôn mới…”.
Tuy nhiên, đối với những vùng giáp ranh tỉnh bạn như Bạc Liêu, Kiên Giang công tác này vẫn còn nhiều khó khăn khi người dân ở đây vẫn sang địa phận Cà Mau đánh bắt khai thác tận diệt. “Chúng ta làm quyết liệt, vùng lân cận lại không làm, thì canh bắt mãi cũng không xử lý triệt để được. Do đó, các cơ quan chuyên môn đang tham mưu cho lãnh đạo tỉnh các cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để quản lý con người, quản lý việc khai thác thủy sản. “” - ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm
Cà Mau đang triển khai thực hiện thí điểm thiết kế, lắp đặt thiết bị cắt cáp kết hợp với chà dây để dẫn dụ cá và ngăn chặn tàu làm nghề lưới kéo hoạt động khai thác trái phép vùng biển ven bờ nhằm sớm phục hồi nguồn lợi thủy sản trên sông biển. Ngoài ra, nhiều dự án đang tiến triển tốt như Dự án xây dựng hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản, Dự án thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, Dự án xây dựng khu bảo tồn và phát triển cá đồng tại huyện U Minh…