Phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản tại Hà Nội:

Chính sách hỗ trợ chưa đi vào thực tiễn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, các chuỗi liên kết hiện có trên địa bàn TP được đánh giá là chưa thực sự bền vững. Trong khi đó, việc triển khai các chính sách hỗ trợ thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Đa dạng chuỗi liên kết

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, TP đã xây dựng và duy trì được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông, lâm và thủy sản. Trong đó, có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát đánh giá: Hình thức liên kết chuỗi hiện nay trên địa bàn TP khá đa dạng.

Cụ thể, trong tổng số 141 chuỗi, có 54 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 46 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 21 chuỗi liên kết sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Chăm sóc, thu hoạch chè xanh tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn
Chăm sóc, thu hoạch chè xanh tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn

Ngoài ra còn có 14 chuỗi liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 1 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 2 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 7 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Một số mô hình liên kết chuỗi điển hình, đang mang lại giá trị kinh tế cao có thể kể tới như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm “Gạo chất lượng cao khu Cháy” của Hợp tác xã Đoàn Kết; Chuỗi gạo hữu cơ và bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; Chuỗi thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; Chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; Chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Oganic Ggreen…

Khó khăn trong vận dụng chính sách

Để khuyến khích phát triển liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngày 5/12/2018, HĐND TP Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai. Trong đó có Quyết định số 2085/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 về việc ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi, với dự kiến kinh phí hơn 366 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án, kế hoạch liên kết hoạt động sản xuất theo chuỗi giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, mặc dù rất tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành và đã tiếp nhận một số dự án, kế hoạch liên kết đề nghị hỗ trợ, tuy nhiên đến nay, Hà Nội chưa hỗ trợ được dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ, và Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TP. Nguyên nhân chính là do chính sách ban hành chưa đồng bộ, chưa cụ thể.

Đơn cử như tại khoản 3, Điều 6, Nghị định 98/NĐ-CP quy định “Chủ trì liên kết: Trường hợp DN hoặc hợp tác xã ký hợp đồng liên kết trực tiếp với cá nhân, nông dân thì DN hoặc hợp tác xã sẽ là chủ trì liên kết. Đối với trường hợp các DN, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết với nhau thì các bên thống nhất cử ra chủ trì liên kết”.

Tuy nhiên, tại điểm c, khoản 1, Điều 9 của Nghị định này lại quy định “Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã”. Các quy định trên không đồng nhất dẫn đến việc triển khai hỗ trợ gặp nhiều khó khăn.

Hay như đối với Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TP, dù đã được ban hành nhưng cũng chưa quy định cụ thể định mức chi, phương thức thực hiện hỗ trợ đối với các dự án, kế hoạch liên kết. Thay vào đó, Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TP vẫn quy định chung chung theo Nghị định 98/NĐ-CP của Chính phủ nên không thể thực hiện được.

Khẩn trương rà soát, sửa đổi

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi hiện đã ban hành nhưng chưa thể đi vào thực tiễn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay đơn vị đang rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Từ đó, đề xuất T.Ư và HĐND TP sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu, cũng như những nội dung chưa phù hợp, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của các DN vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

“Đối với Nghị quyết 10/NQ-HĐND của HĐND TP, hiện Sở NN&PTNT Hà Nội đang rà soát để trình UBND TP báo cáo HĐND TP cho phép sửa đổi. Trong đó, sẽ đề xuất quy định rõ nội dung và mức chi hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo liên kết chuỗi, làm cơ sở xây dựng và ban hành hướng dẫn Quy trình thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 để tổ chức triển khai…” - ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.

Trong định hướng phát triển nông nghiệp giai đoạn tới, Hà Nội cũng sẽ rà soát quy hoạch đã được quy định theo Quyết định 3215/QĐ-UBND của UBND TP về vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung theo từng năm.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu điều chỉnh kịp thời, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung vùng huyện, quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương. Trong quá trình chờ đợi T.Ư và Hà Nội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, các địa phương cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển các liên kết chuỗi.

Đơn cử như tại huyện Sóc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Dũng cho biết, địa phương đang tập trung rà soát và quản lý các vùng sản xuất chuyên canh. Đồng thời, tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân quản lý, phát triển sản xuất an toàn theo quy hoạch chung nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nông sản khi tham gia chuỗi liên kết giá trị.

 

"Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ có ý nghĩa rất tốt, nhưng vướng mắc là khi thực hiện phải dùng nhiều văn bản dưới luật, trong đó có nhiều văn bản khó làm; chính vì thế cần có hướng dẫn càng cụ thể càng tốt. Bên cạnh đó, nghị định gắn vào dự án hỗ trợ sau đầu tư nên các DN, hợp tác xã muốn tham gia phải có tiềm lực. Điều này với DN lớn thì dễ nhưng với DN nhỏ và vừa, hay các HTX thì khó và cần được xem xét thêm…" - Viện trưởng Viện Khoa học phát triển nông thôn, GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung