Nhìn chung, các quốc gia đều hướng đến mục tiêu bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động, tuy nhiên cách thức thực hiện và mức độ hiệu quả có sự khác biệt.
Na Uy có chính sách tiền lương và phúc lợi hấp dẫn hàng đầu thế giới
Na Uy nổi tiếng với hệ thống bảo vệ người lao động vững vàng và các chính sách tiến bộ, bao gồm bảo đảm mức lương ổn định cho người lao động. Luật pháp Na Uy hiện không quy định mức lương tối thiểu. Thay vào đó, lương thường được thương lượng thông qua các thỏa thuận tập thể giữa các công đoàn lao động và tổ chức sử dụng lao động. Các thỏa thuận này quy định mức lương tối thiểu cho những ngành nghề và lĩnh vực khác nhau.
Mặc dù không có mức lương tối thiểu quy định, nhưng có quy định về việc trả lương làm thêm giờ. Tất cả nhân viên (trừ quản lý cấp cao) được trả thêm tối thiểu 40% so với mức lương thông thường cho làm thêm giờ.
Tại Na Uy, người lao động có thể được nghỉ làm lên đến 1 năm mà vẫn nhận 80 - 100% lương nếu nhà mới sinh em bé. Đây chỉ là một trong những điều khiến đất nước Bắc Âu này nằm trong số những quốc gia đứng đầu thế giới về chất lượng cuộc sống.
Theo ông Olav Skurdal Hopso - người đứng đầu Đảng Lao động Na Uy: “Na Uy tái khẳng định cam kết bảo đảm việc làm nhân văn, thúc đẩy quyền của người lao động trên toàn thế giới và phát triển bền vững”. Ông cũng chia sẻ thêm, các tổ chức bảo vệ quyền của người lao động tại Na Uy sẽ tiên phong trong việc tạo ra những quy chuẩn toàn cầu nhằm bảo đảm lợi ích của người lao động.
Na Uy có một trong những chính sách nghỉ thai sản và nghỉ phép chăm sóc trẻ em hào phóng nhất trên thế giới. Cả cha và mẹ đều được nghỉ phép 52 tuần (1 năm) và người sử dụng lao động vẫn chi trả 80 - 100% lương trong thời gian này. Nghỉ phép có thể được kéo dài đến 58 tuần với mức lương giảm hơn. Ngoài ra, cha mẹ được nghỉ thêm 1 năm sau năm đầu tiên, mặc dù thời gian nghỉ này phải được thực hiện ngay sau sinh nhật đầu tiên của bé.
Tại Na Uy, giờ làm việc được quy định tối đa ở mức 37,5 giờ mỗi tuần, với các tùy chọn linh hoạt về cơ chế ca làm. Ngoài ra, nhân viên có thể có quyền được giảm giờ làm việc vì lý do cá nhân.
Mức lương cao, cùng sự bảo vệ người lao động tuyệt đối và các chế độ phúc lợi hào phóng, khiến khoảng 88% người đi làm cảm thấy hài lòng với công việc.
Na Uy ưu tiên sự an toàn của người lao động và cung cấp mức lương cạnh tranh cùng với sự bảo vệ và phúc lợi ổn định cho người lao động. Hệ thống này góp phần vào mức sống cao và sự hài lòng của nhân viên ở đất nước này.
Thái Lan sẵn sàng lắng nghe và thay đổi
Thái Lan đưa ra mức lương cơ bản chính thức vào năm 1973 để bảo đảm mức sống tối thiểu cho công dân. Mức lương tối thiểu thay đổi theo từng khu vực dựa trên chi phí sinh hoạt trung bình. Tuy nhiên, không giống như nhiều nước khác, lương tối thiểu ở Thái Lan được tính theo ngày chứ không phải theo giờ.
Ủy ban Tiền lương Thái Lan chịu trách nhiệm thiết lập và xem xét lại mức lương tối thiểu vài năm một lần. Khi điều chỉnh, họ sẽ xem xét những thay đổi về tình hình kinh tế, chi phí sinh hoạt, chi phí sản xuất và tỷ lệ lạm phát. Ví dụ, khi chi phí sinh hoạt ở Thái Lan tăng cao sau đại dịch Covid-19, nhiều nhóm về quyền lao động đã kêu gọi tăng lương tối thiểu.
Ví dụ, trong cuộc bầu cử năm 2023, hai đảng phái lớn gồm Đảng Tiến bộ và Đảng Pheu Thái đã đồng cam kết nâng mức lương này lên 450 baht một ngày vào năm 2027.
Thủ tướng Chính phủ Thái Lan, ông Srettha Thavisin làm rõ vai trò của chính quyền trong việc lắng nghe người dân và đưa ra những cơ chế phù hợp với thị trường. “Để phát triển đất nước bền vững, chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng từ người dân” - ông Srettha Thavisin chia sẻ.
Năm 2023, mức lương tối thiểu dao động từ 328 - 354 baht mỗi ngày, cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á láng giềng như Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài ra, Luật Lao động cũng quy định về việc trả lương làm thêm giờ và nghỉ phép có lương.
Tuy nhiên, vẫn có những bất cập khi đưa vào thực tiễn: làm việc cho DN Thái Lan, việc làm thêm giờ thường không được trả lương và bị coi là một phần bình thường trong văn hóa làm việc nhóm. Ví dụ, giáo viên thường phải làm thêm giờ vào cuối tuần và ngày lễ mà không được hưởng lương thêm hoặc phụ phí làm thêm giờ. Hơn nữa, việc yêu cầu tăng lương thường không được thực hiện.
Australia điều chỉnh lương tối thiểu theo lạm phát
Australia thiết lập mức lương tối thiểu quốc gia từ rất sớm. Vào năm 1907, Australia bắt đầu ban hành định mức thu nhập tối thiểu cho người lao động. Lương tối thiểu ở Australia cũng được điều chỉnh theo lạm phát để bảo đảm đời sống của người lao động.
Ngoài ra Chính phủ Australia cũng thành lập Ủy ban Việc làm Công bằng Fair Work Commission (FWC) từ năm 2009, với mạng lưới Thanh tra viên toàn quốc, hỗ trợ người lao động 24/7. Thanh tra viên FWC đóng vai trò quan trọng trong khía cạnh bảo đảm mọi quyền lợi và công bằng của người lao động. Họ tiếp nhận và xử lý khiếu nại, hướng dẫn và hỗ trợ các bên tranh chấp, ra quyết định mang tính pháp lý và thực thi các quyết định của FWC.
Lương tối thiểu ở Australia được tính theo giờ và áp dụng cho tất cả nhân viên, bất kể tuổi tác, kinh nghiệm hoặc ngành nghề. Người lao động làm việc theo hợp đồng định kỳ hoặc bán thời gian cũng được hưởng mức lương tối thiểu theo số giờ họ làm việc.
Theo Trưởng Ban Việc làm và Quan hệ Nơi làm việc thuộc Chính phủ Australia, ông Tony Burke thể hiện lập trường cứng rắn trong việc ưu tiên bảo vệ quyền lợi người lao động, đặt lợi ích của DN ra sau.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các đơn vị tuyển dụng nhằm đưa ra những thay đổi tạo thuận lợi cho người lao động, và chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng người lao động” - ông Burke khẳng định.
Tính đến tháng 7/2023, mức lương tối thiểu dành cho người lao động trưởng thành ở Australia là 21,38 đô la Australia (tương đương 14,15 USD) mỗi giờ. Mức lương này cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu của đa phần các nước châu Á.
Ngoài ra, Australia còn có hệ thống phân loại lương tối thiểu dựa trên kinh nghiệm và trình độ của nhân viên. Ví dụ, người học việc và thực tập sinh có thể được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu dành cho người lao động chính thức.