Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách tiền tệ giữa hai dòng nước

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nhưng nếu “tháo” điều kiện thì nợ xấu tăng lên.

Sáng ngày 22/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp, khó khăn, thách thức và quyết tâm".

Nới lỏng chính sách tiền tệ, cứu doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, hiện các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ. Đến nay nhiều khoản nợ giãn hoãn từ dịch Covid-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo

Thời gian qua ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp. Phía NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, có các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Các NHTM cũng đã tích cực giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, có tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp.

Dù lãi suất giảm nhưng đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.

Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Bài toán nan giải hiện nay là làm sao khơi thông vốn tín dụng qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế?

 

Chính sách tiền tệ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm... kéo theo mức độ rủi ro của khách hàng gia tăng. (Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú)

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, chính sách tiền tệ đang đứng giữa hai dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau vượt qua. Nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại. “Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế”- ông Tú nói.

Phó Thống đốc đánh giá, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ khách hàng. Thực tế, các ngân hàng không thể lỗ, nếu ngân hàng lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, kéo theo cả hệ thống khó khăn. Ngân hàng rất khác với doanh nghiệp. Ngân hàng chỉ lãi ít lãi nhiều, chứ không thể lỗ. Không chỉ Việt Nam mà các nước cũng vậy.

Tháo gỡ về mặt pháp lý

Hiện mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Các chuyên gia kỳ vọng, với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Dư luận gần đây cho rằng Thông tư 06/2023/TT-NHNN của NHNN có hiệu lực từ 1/9 còn nhiều điểm chưa hợp lý, có thể khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận được vốn ngân hàng. Thông tư yêu cầu dự án phải "đủ điều kiện đưa vào kinh doanh", không giống với bất cứ văn bản luật nào hiện nay. Do đó cần phải làm rõ là điều kiện pháp lý hay điều kiện mở bán của dự án.

Về quy định không được vay ngân hàng để góp vốn, phía NHNN khẳng định chỉ khống chế khi đi vay cho một nhà đầu tư khác, tránh trường hợp người sử dụng vốn vay và người đi vay là 2 người khác nhau. Nếu chính danh chủ đầu tư đi vay thì không cấm.

Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - NHNN Hà Thu Giang cho biết, hiện nay, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng và ngược lại. Theo bà  Giang, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%. Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản xuất hiện xu hướng giảm trong 03 năm gần đây, cuối năm 2022 tín dụng lĩnh vực này tăng 31,01%.

"Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư 6 thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn" - bà Giang nhận định.

Cũng theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).

 

Vẫn còn một số điểm nghẽn tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả. Doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ Quỹ. (TS. Nguyễn Minh Thảo -Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương)

Về cho vay tín chấp, doanh nghiệp cũng cần không ngừng nâng cao trình độ quản lý, công khai, minh bạch sổ sách kế toán. Dựa trên cơ sở đó, NHTM mới có thể thẩm định, đánh giá xem doanh nghiệp hoạt động hiệu quả ra sao, kết quả kinh doanh thế nào để kiểm soát dòng tiền và quyết định cho vay.

Bà Phạm Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Dù vậy, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh tiếp tục hạ lãi suất, cần hỗ trợ về cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng. Phục hồi các kênh huy động vốn khác: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; Hạ thấp các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ Quỹ Phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV… Triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế. Coi trọng cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp…