Theo khảo sát, cơ bản các địa phương đã chuẩn bị xong mọi điều kiện để vận hành hệ thống, sẵn sàng giúp người dân giao dịch hành chính thuận lợi, nhanh chóng nhất.
Cán bộ đã sẵn sàng phục vụ
Tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), Phó Chủ tịch UBND phụ trách bộ phận một cửa (BPMC) Nguyễn Thị Trung Thủy chia sẻ: "Ngày 28/10, tôi cùng 3 cán bộ của xã đã được UBND huyện cử đi tập huấn tại Sở TT&TT về sử dụng phần mềm DVCTT mức độ 3. Tôi thấy các thao tác không khó khăn. Cuối tháng 9, xã cũng đã họp quán triệt đến mọi cán bộ, đảng viên; giữa tháng 10 bắt đầu tuyên truyền đến tận địa bàn dân cư thông qua các cuộc họp, phát trên loa 2 lần/ngày...".
Cổ Bi chỉ là 1/22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm cũng như nhiều xã tại 5 huyện khác hiện đã cơ bản đủ điều kiện cơ sở vật chất và con người để vận hành hệ thống DVCTT mức độ 3. BPMC các xã tại huyện Gia Lâm hầu hết đã được đầu tư đồng bộ hóa cơ sở vật chất đúng chuẩn; đủ máy tính, máy scan, máy tra cứu... phục vụ người dân. Cán bộ BPMC từ huyện đến xã từ trước đã thành thạo quy trình giải quyết TTHC, nên khi đưa vào vận hành DVCTT mức độ 3 thì không gặp trở ngại lớn.
Kịp thời triển khai theo chỉ đạo của TP, ngày 31/10, UBND huyện Thanh Trì đã hoàn thành cài đặt phần mềm DVC mức độ 3 tại 13 xã, thị trấn. "Chỉ còn Ngọc Hồi, Tả Thanh Oai, Đông Mỹ gặp khó khăn do máy tính cấu hình thấp hoặc có bộ phận chưa có máy tính riêng nên không cài đặt được phần mềm này. Phòng VHTT sẽ sớm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã đó quan tâm hoàn thiện máy móc, cài đặt phần mềm cho thông suốt", Trưởng phòng VHTT Nguyễn Duy Tấn khẳng định.
Chuẩn bị cho việc triển khai, UBND huyện Hoài Đức đầu tháng 10/2016 cũng yêu cầu các xã cung cấp thông tin của nhiều lãnh đạo để tạo tài khoản, đảm bảo thực hiện DVCTT không bị gián đoạn khi lãnh đạo phụ trách vắng mặt. "Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan gắn mức độ hoàn thành lộ trình cung cấp DVCTT của TP với việc xét thi đua, khen thưởng đối với thủ trưởng các đơn vị đó" - Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Đức Trung nhấn mạnh.
Thách thức lớn nhất ở phía... người dân
Nhiều cán bộ huyện, xã cho rằng, khó khăn nhất khi bắt tay vào thực hiện DVCTT mức độ 3 cấp xã chính là ở trình độ, nhận thức của người dân nông thôn, trình độ công nghệ thông tin (CNTT) và thói quen thực hiện giao dịch trực tuyến chưa được hình thành.
Trưởng phòng Tư pháp huyện Gia Lâm Nguyễn Đình Quang nhận định: Công tác tuyên truyền đến tận người dân về lợi ích và cách sử dụng DVCTT có ý nghĩa quan trọng nhất. Phòng Tư pháp huyện Gia Lâm đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền bài bản. Huyện Gia Lâm sẽ tuyên truyền vào tận các trường THPT, THCS, bởi các học sinh đó chính là những công dân có đủ trình độ CNTT để thực hiện đăng ký khai sinh, khai tử... thay cho ông bà, bố mẹ ngay từ nhà.
Bên cạnh đó, các xã sẽ bố trí tình nguyện viên là cán bộ phụ trách CNTT và bí thư đoàn thanh niên xã chịu trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ khi người dân đến làm TTHC. Các xã của huyện Gia Lâm còn công khai số đường dây nóng để khi người dân gọi điện hỏi về giải quyết TTHC, cán bộ tư pháp sẽ tư vấn luôn về DVCTT mức độ 3.
Dù vậy, để tạo điều kiện tốt nhất cho các xã triển khai DVCTT, UBND huyện Gia Lâm cũng kiến nghị TP sớm xây dựng xong cơ sở dữ liệu điện tử về hộ tịch trên toàn địa bàn, để tạo cơ sở hạ tầng phục vụ người dân thực hiện DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ kiến nghị TP hỗ trợ bố trí máy móc để một số xã có thêm máy tính đặt ở nhà văn hóa, để những người dân không có máy tính ở nhà có thể thực hiện DVCTT tại đây.