"Việc EU tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga là việc làm bất hợp pháp và thiếu khôn ngoan, vì Nga đang nắm giữ nhiều tài sản của phương Tây hơn so với tài sản của nước này đang bị đóng băng ở châu Âu, trong đó có nhiều tài sản tại Pháp. Nếu EU thực hiện điều này, tôi nghĩ chắc Nga sẽ có hành động trả đũa, dẫn đến leo thang thành một cuộc chiến tranh kinh tế"- ông Florian Philippot, nói với tờ RIA Novosti hôm 10/3.
Chính trị gia Pháp lưu ý thêm rằng dường như EU mong muốn thực hiện việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga nhằm buộc Moscow phải có phản ứng đáp trả, từ đó gây áp lực bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Trước đó, hôm 16/2 vừa qua, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gita Gopinath đã cảnh báo rằng bất kỳ bước đi nào nhằm tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga đều phải có được “sự hỗ trợ pháp lý đầy đủ”.
Theo bà Gopinath, các chuyên gia của IMF sẽ đánh giá tác động của bất kỳ quyết định nào được đưa ra đối với các thành viên của quỹ và đối với nền kinh tế toàn cầu, nếu và khi điều đó xảy ra.
Trong khi đó, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Italia mới đây đã bày tỏ sự hoài nghi về khả năng tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia Fabio Panetta hồi cuối tháng 1/2024 tuyên bố, việc sử dụng đồng euro làm công cụ trừng phạt kinh tế và tranh chấp chính trị sẽ gây tổn hại đến hình ảnh và vị thế của đồng tiền chung châu Âu. “Quyền lực này phải được sử dụng một cách khôn ngoan” – RT dẫn tuyên bố của Thống đốc Panetta khi đề cập đến vị thế của đồng euro như một đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga. Kể từ đó, các quốc gia G7 đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận nhằm tìm giải pháp tịch thu khối tài sản này của Nga và chuyển chúng cho Kiev.
Về phần mình, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng bất kỳ bước đi nào liên quan đến tài sản dự trữ của Nga đều sẽ bị coi là hành vi “trộm cắp”, nhấn mạnh rằng việc tịch thu tiền hoặc bất kỳ động thái tương tự nào sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.
Hồi tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thiết lập cơ chế tạm thời tiếp quản tài sản nước ngoài tại Nga trong trường hợp các quốc gia khác tịch thu tài sản tư nhân hoặc chính phủ của Nga trong phạm vi quyền hạn của họ, hoặc đe dọa an ninh quốc gia, năng lượng và kinh tế của đất nước.