Chính trường Brazil: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những diễn biến bất ngờ mới, chuyện Quốc hội tìm cách phế truất Tổng thống Brazil không chỉ là một cuộc khủng hoảng chính trị và thể chế trầm trọng mà còn là cả một vở bi hài kịch có một không hai trong lịch sử đất nước này.

Sau khi Hạ viện thông qua khuyến nghị Thượng viện khởi động quá trình phế truất đương kim Tổng thống Dilma Rousseff - mà vị Chủ tịch Hạ viện đóng vai trò quyết định khi là kẻ thù không đội trời chung với bà Rousseff, số phận chính trị của nữ Tổng thống tưởng như đã được định đoạt.
ổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Nguồn: EPA/TTXVN)
ổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Giữa khi mọi chuyện đều bất lợi như thế đối với bà Rousseff thì Toà án hiến pháp Brazil lại phế truất vị Chủ tịch Hạ viện nói trên. Vị quyền Chủ tịch Hạ viện đã hủy quyết định cũ của Hạ viện khuyến nghị Thượng viện phế truất Tổng thống. Nhưng Thượng viện Brazil vẫn quyết định bỏ phiếu biểu quyết về việc vận hành quy trình xem xét phế truất bà Rousseff với mục tiêu rất rõ ràng là ép nữ Tổng thống phải “ngồi chơi xơi nước” trong thời gian 6 tháng trước khi Thượng viện có phán quyết cuối cùng.

Chính trường Brazil hiện như thế. Sự hỗn loạn này là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe lập pháp, hành pháp và tư pháp, cụ thể là giữa Tổng thống, Hạ viện, Thượng viện và Tòa án. Những cơ quan quyền lực cao nhất trong thể chế chính trị nhà nước đối phó nhau trong khi lẽ ra cần phải hợp tác với nhau, trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong khi lẽ ra phải cùng hội, cùng thuyền đến mức như thế thì đất nước này không bị tê liệt về chính trị thì mới là chuyện lạ. Chính trường và Chính phủ như thế làm sao có thể đảm bảo được an ninh chính trị và xã hội, làm sao có được môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài. Brazil đang tự hại chính mình đến mức nào nữa đây?