Sự kiện này thu hút sự quan tâm lớn từ giới tài chính, bởi nhiều năm qua, tiến độ ì ạch trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém luôn được đề cập.
Nâng cao năng lực quản trị
"Chuyển giao bắt buộc" là việc ngân hàng yếu kém sẽ được ngân hàng khác - với quy mô tài chính vững vàng hơn, nhận và dành nguồn lực tái cơ cấu. Sau chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VCB và MB sở hữu 100% vốn điều lệ; được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định.
Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB và OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định pháp luật.
MB cam kết hoạt động dịch vụ của OceanBank sẽ diễn ra liên tục, thông suốt. Lãnh đạo ngân hàng MB cho biết, sẽ ưu tiên dành nguồn lực phát triển kinh doanh, vốn, công nghệ và nhân sự để hỗ trợ OceanBank. Đồng thời, OceanBank sẽ được tái cơ cấu với một chiến lược dài hạn, đầu tư kỹ lưỡng, hướng đến mục tiêu trở thành một ngân hàng hiện đại, an toàn và bền vững.
Đại diện VCB cho biết, sau tiếp nhận CB, VCB sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới; có thể nhận sáp nhập, duy trì CB như một ngân hàng con hoặc bán, chuyển nhượng CB cho nhà đầu tư mới trong và sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc.
Theo phân tích của lãnh đạo các ngân hàng, khác với lý do “nhiệm vụ chính trị” như giai đoạn trước, nhận chuyển giao các nhà băng yếu kém hiện nay cũng mang lại lợi ích, làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao năng lực quản trị.
Trên thực tế với những TCTD trong nước khi nhận chuyển giao bắt buộc có thể được tạo điều kiện về việc tăng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài; được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến 0% trong thời gian nhận chuyển giao bắt buộc, được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cao hơn…
Những thách thức không nhỏ
Đây là bước tiến lớn trong việc tái cơ cấu các TCTD, bởi trong nhiều năm qua, để xử lý các ngân hàng yếu kém, hàng loạt biện pháp từng được NHNN đề xuất, nhưng chưa đạt được nhiều kết quả đột phá.
Cụm từ "ngân hàng 0 đồng" xuất hiện năm 2015. Trước những vi phạm nghiêm trọng và khó khắc phục của các ngân hàng thương mại yếu kém, NHNN đã mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng thương mại gồm OceanBank, CBBank, Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Tới tháng 8/2015, NHNN quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đông Á (DongABank). Đến cuối năm 2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Theo lý giải của NHNN, quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém chậm là bởi việc tìm kiếm, đàm phán NHTM đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các NHTM. Hơn nữa, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Ngoài ra, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.
Thực tế, dù cơ hội là rất lớn, song việc tiếp quản và tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực, công sức. Đó là bài toán về nợ xấu và tài sản không hiệu quả. Nếu xét ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ lũy kế và đang tiếp tục lỗ.
Vietcombank cho biết, CB là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính (BCTC) vào BCTC hợp nhất của VCB. Cùng với đó, VCB thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với CB theo quy định và không góp vốn vào CB trong thời gian CB còn lỗ lũy kế; VCB tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ như phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi đó, dù lãnh đạo MB cam kết việc nhận chuyển giao bắt buộc TCTD không ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính, cổ tức của ngân hàng, song hàng loạt cổ đông vẫn tỏ ra lo lắng về việc ngân hàng phải nhận "khúc xương" ngân hàng yếu. Nhiều cổ đông lấy ví dụ các trường hợp sáp nhập ngân hàng yếu thời gian qua (ví dụ Sacombank sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam) sau đó đều mất nhiều năm mới xử lý được các tồn tại của ngân hàng yếu.
Quyết tâm xử lý ngân hàng yếu kém
Theo NHNN, chuyển giao bắt buộc là một trong các phương án để cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, được quy định tại Luật Các TCTD. Đây là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt; NHNN đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và các cơ quan liên quan chỉ đạo các ngân hàng xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.
“Mục tiêu của việc chuyển giao là từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa 2 ngân hàng dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, bảo đảm khả năng hoạt động liên tục” - NHNN nhấn mạnh.
Hiện, ngoài CBBank và OceanBank, hai ngân hàng khác là GPBank và DongA Bank dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và chuyển giao trong tương lai. Riêng với SCB, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB cùng Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Tình trạng này được kỳ vọng sẽ có thay đổi trong bối cảnh một số ngân hàng lên kế hoạch triển khai và dự kiến hoàn tất việc nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém trong năm nay, khi NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống.
NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các TCTD yếu kém; triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025"; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi; thực hiện triển khai nhiều biện pháp và nâng cao hành lang pháp lý qua Luật Các TCTD năm 2024.
Việc tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém đòi hỏi ngân hàng tiếp nhận phải có nguồn lực lớn về tài chính, nhân sự quản trị, và công nghệ. Bên cạnh đó là bài toán đồng bộ hóa văn hóa DN, hệ thống quản trị và bảo đảm hiệu quả hoạt động khi tiếp nhận toàn bộ đội ngũ nhân sự. Đây sẽ là một thử thách không nhỏ, đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm từ ban lãnh đạo.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh