Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025

Chờ đợi siêu cao tốc sinh “đại phú quý”

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các công trường của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) đã lập tức được “nổi lửa” ngay sau lễ khởi công, hướng tới mục tiêu sớm hoàn thành siêu cao tốc để mang tới “đại phú quý” cho đất nước.

"Siêu dự án" cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế.
"Siêu dự án" cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Ngày 1/1 vừa qua, toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đã chính thức khởi công những gói thầu đầu tiên. Với tầm quan trọng đặc biệt của hạ tầng giao thông đối với sự phát triển của nền kinh tế, sự hình thành của siêu dự án cao tốc này được kỳ vọng mang đến động lực cực lớn cho kinh tế đất nước.

Công trường “nổi lửa” đua tiến độ

Các tuyến cao tốc khi được hoàn thành sẽ có vai trò động lực, tác động lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới. Đó là ở góc độ vĩ mô, còn với mỗi người thì chắc chắn ai cũng mong mỏi đất nước có thêm những tuyến cao tốc để đi lại, giao thương thuận lợi hơn.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, khoảng 1.000km.

 

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: "Trong 10 năm tới, cần hoàn thành 916km đường bộ cao tốc đang triển khai và đầu tư mới khoảng 3.000km, gấp 4 lần khối lượng đường bộ cao tốc đã được xây dựng trong 20 năm qua. Đây là nhiệm vụ mà để hoàn thành không những cần quyết tâm “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, mà còn cần đổi mới tư duy trong phân bổ nguồn lực, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách" .

Nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, song Thủ tướng tin tưởng Việt Nam sẽ làm được và phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu hoàn thành “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đúng tiến độ đề ra, ngay sau lễ khởi công, tất cả công trường dự án đều cùng nhau “nổi lửa” đua tiến độ.

Lễ khởi công tại gói thầu XL01 dự án đoạn Vũng Áng - Bùng vừa kết thúc, nhà thầu được yêu cầu tập huy động máy móc, nhân lực vào công địa được bàn giao mặt bằng. Công việc đầu tiên nhà thầu phải làm là triển khai đào, đắp ngay 1,5km đoạn tuyến chính. Tương tự, tại gói thầu XL01 dự án đoạn - Bùng - Vạn Ninh, nhà thầu cũng huy động gần 30 đầu máy với khoảng 50 công nhân để thi công nền đường nút giao Việt Trung tại Km 643+300 và cọc khoan nhồi cầu Bản 2 tại Km 642+500.

Trong quá trình các nhà thầu triển khai thi công, đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA 6 liên tục quan sát, kiểm tra từ công tác chuẩn bị đến tinh thần bắt nhịp công việc của đơn vị thi công. Tất cả đều nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất để triển khai dự án. Đây cũng là yếu tố then chốt để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đưa dự án hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

"Siêu cao tốc" sẽ sinh "đại phú quý".
"Siêu cao tốc" sẽ sinh "đại phú quý".

Để đại lộ có thể sinh “đại phú”

Cũng như tất cả dự án xây dựng hạ tầng giao thông khác, quá trình triển khai xây dựng siêu dự án cao tốc Bắc - Nam luôn phải đảm bảo 2 “điều kiện vàng”, đó là chất lượng công trình và tiến độ thi công. Để làm được điều này, công tác lựa chọn nhà đầu tư có vai trò vô cùng quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT và các cơ quan đơn vị liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật và trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và tổ chức khởi công xây dựng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; chịu trách nhiệm triển khai các gói thầu, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, không để xảy ra sai phạm.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ GTVT, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; các nhà thầu được lựa chọn phải đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai chất lượng, hiệu quả công trình, dự án.

Có thể mời kiểm toán trước, trong quá trình triển khai dự án theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu kém trong liên danh khi chất lượng, tiến độ thi công không đảm bảo yêu cầu.

Với chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc đồng bộ của Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan, sự quyết tâm của các Ban QLDA, các nhà thầu thi công, siêu dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 được kỳ vọng là công trình đột phá cả về thời gian thi công lẫn chất lượng công trình.

“Đại lộ sinh đại phú”, một khi dự án này hoàn thành chắc chắn mang lại cho nền kinh tế đất nước sức bật mạnh mẽ, theo đúng kỳ vọng về một “siêu cao tốc” sẽ sinh ra “đại phú quý”.

 

Theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, trong giai đoạn 2015 - 2020, các địa phương có cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao như: Lào Cai 14,27%/năm, Hải Phòng 13,74%/năm, Bắc Giang 13,02%/năm, Tiền Giang 12,8%/năm, Quảng Ninh 10,72%/năm, Phú Thọ 9,59%/năm, Quảng Nam 9,53%/năm, Hải Dương 8,62%/năm, Đồng Nai 8,14%/năm. Việc phát triển hạ tầng giao thông cũng đã góp phần đưa bất động sản của các địa phương có đường cao tốc đi qua giá tăng gấp 3 - 4 lần, thậm chí có nơi tăng đến 10 lần, điển hình là các tuyến cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Dầu Giây - Phan Thiết, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.