Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chớ liều “đi ngược chiều”

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lĩnh vực giao thông đón chào năm 2020 bằng cách không thể sôi động và hào hứng hơn với một loạt văn bản quy phạm pháp luật mới chính thức có hiệu lực.

Trong đó, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia 2019 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được dư luận chú ý hơn cả bởi cả hai đều cùng hướng về một nhiệm vụ đặc biệt: Loại trừ vấn nạn “ma men sau tay lái".
Thói quen sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt hàng ngày ở nước ta vốn đã có từ rất lâu đời. Câu chuyện người uống bia, rượu rồi vô tư điều khiển phương tiện tham gia giao thông không phải bây giờ mới có. Nhưng tại sao, thời gian gần đây cụm từ “ma men sau tay lái” lại trở nên nóng và nhức nhối trong dư luận đến vậy? Hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người liên tục xảy ra trong thời gian qua, mà thủ phạm phần lớn gây ra không ai khác chính là những “ma men sau tay lái”.
Nhiều giải pháp đã được bàn thảo, hàng loạt kế sách đã được đưa ra. Tuy nhiên, dù là kế sách hay giải pháp nào đi chăng nữa vẫn vướng phải một rào cản cố hữu, đó là chế tài xử phạt hành vi sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi tham gia giao thông vẫn còn quá nhẹ và quá nhiều khe hở. Sau rất nhiều tranh cãi, góp ý, tất cả chúng ta chợt nhận ra một điều, muốn loại bỏ được vấn nạn “ma men sau tay lái” không thể có giải pháp nào khác hơn là phải xây dựng được một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ chặt chẽ và được vận hành một cách đồng bộ của cả xã hội.
Với sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia 2019 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chúng ta đã phần nào yên tâm về hành lang pháp lý cho cuộc tấn công tổng lực “ma men” trên mọi mặt trận.
Giữa bức tranh đầy nét vẽ tươi sáng của cuộc đấu tranh đẩy lùi vấn nạn “ma men sau tay lái” trong những ngày qua, vẫn còn đâu đó những gam màu u tối, dù chỉ là những nét chấm phá nhưng vẫn khiến chúng ta không thể không suy nghĩ. Đó là một số ít người vẫn còn tâm lý né tránh, đối phó, thậm chí là giở chiêu trò hòng qua mặt lực lượng chức năng để thoải mái uống rượu bia rồi cầm lái ra đường. Có kẻ “bật mí” đi mua đồng phục xe ôm công nghệ, có người quảng cáo uống thuốc giải rượu, bia, và cũng có nhiều cá nhân rêu rao về phương pháp khử nồng độ cồn ngay sau cuộc nhậu hòng tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
Chưa cần biết hiệu quả của những thứ “bí quyết” quái gở ấy như thế nào song chỉ cần nghe qua cũng có thể nhận thấy, đó là lí lẽ của những cá nhân cố tình "đi ngược đường", đi ngược với dư luận và nỗ lực của toàn xã hội trong cuộc đấu tranh đẩy lùi vấn nạn “me men sau tay lái” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho mọi người.
Xin phép không bình luận thêm về những ai đã hoặc sẽ có ý nghĩ tìm cách đối phó với lực lượng chức năng như đã nói ở trên. Chỉ xin kể về một câu chuyện có thật xảy ra trong những ngày qua. Đó là tại một chốt kiểm tra nồng độ cồn, một nam sinh viên bị xử phạt 7 triệu đồng do sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Cầm biên bản xử phạt, chàng trai trẻ bật khóc. Đó là những giọt nước mắt ân hận và xót xa cho hành vi sai trái của mình. “Bị phạt 7 triệu đồng, Tết này em không còn đồng nào mang về quê nữa” – nam sinh viên vừa nói xong thì nghe bên tai mình giọng nghiêm nghị của một cán bộ công an làm nhiệm vụ tại đó vang lên: “Nếu như chúng tôi không kịp phát hiện và ngăn chặn anh, có khi anh còn không mang được bản thân mình về đón Tết với gia đình đâu”.
Có thể đây không phải mẩu đối thoại có thật mà chỉ là sản phẩm của cộng đồng mạng, nhưng bất cứ ai đọc được, ngẫm lại cũng phải thon thót giật mình.