Với vị ngọt thanh, mọng nước và giòn hơn so với một số giống mận khác, trái mận xanh đường ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tại Sóc Trăng, ở nhiều địa phương, diện tích trồng cây mận xanh đường cũng từng bước được mở rộng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Là một trong những nông dân gắn bó với cây mận xanh, ông Nguyễn Hồng Sơn (ở ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Hiện tại, ông có hơn 600 cây, trồng trên diện tích gần 14.000m2, trong đó có trên 300 cây 6 năm tuổi cho trái và đang thu hoạch.
Theo ông Sơn, giống mận này có đặc điểm là ra trái quanh năm, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật sẽ đạt khoảng 12 trái/ký, đặc ruột và ăn rất ngọt, người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Để bảo vệ trái mận, ông Sơn đã sử dụng màng lưới bao phủ, cho cây mận "ngủ màn" nhằm hạn chế tối đa các loài sâu bệnh gây hại và tránh bị ruồi vàng đục trái. Cách làm giúp ông giảm được lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với giá bán dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/ký, cùng với thu hoạch quanh năm, sau khi trừ chi phí, ông Sơn kiếm lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm trên diện tích 14.000m2 của gia đình.
“Với hiệu quả kinh tế cây mận xanh đường đem lại, tôi sẽ mở rộng thêm trồng khoảng 14.000m2, trồng khoảng 1.500 gốc mận xanh đường nữa. Đồng thời, tiếp tục hệ thống làm nhà lưới. Tôi đang chuẩn bị làm đường khoảng 1,5m, hai năm nữa sẽ mở cửa cho bà con đến tham quan”. - ông Sơn chia sẻ về dự định sắp tới.
Ông Lê Văn Hội (Tám Hội, TP Sóc Trăng) có thu nhập tiền tỉ mỗi năm từ giống mận xanh đường này. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày hái vườn mận của ông Tám Hội cho vài trăm kg cung cấp cho thị trường, mà chủ yếu là là thương lái đặt hàng trước. Ngoài ra, ông còn nhân giống, cung cấp trên 1.000 cây giống cho nhà vườn với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/nhánh.
Theo ông Hội khi mận chín, phần dưới của trái có màu đỏ rất đẹp mắt, phần đỏ càng nổi thì mận càng ngọt nhưng ngọt theo kiểu thanh chứ không gắt. Vì những ưu điểm vượt trội mà rất được thị trường ưa thích, thậm chí với những trái bị nứt, úng ông Hội xẻ lấy phần thịt còn ăn được để bán cũng có nhiều người mua.
"Để bảo vệ trái mận, tôi đã dùng lưới bao trọn khu vườn. Ngoài ra, áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường." - ông Hội nói.
Theo Phòng kinh tế TP Sóc Trăng, thời gian qua các vườn mận xanh đường trên địa bàn được ngành chức năng hỗ trợ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Sóc Trăng; làm cầu nối cho các công ty lữ hành, các điểm du lịch kết nối với các vườn mận đường để tạo nên sản phẩm du lịch sinh thái tạo thêm điểm nhấn mới cho du lịch Sóc Trăng.
Với hiệu quả kinh tế đã được khẳng định trong thời gian qua, có thể nói, mận xanh đường là loại cây trồng có nhiều tiềm năng và mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Đây cũng là loại cây trồng thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết và đất trồng khác nhau, cho trái quanh năm, năng suất cao, ổn định và được thị trường ưa chuộng. Qua mô hình, cũng đã góp phần thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.