Chớ nên trì hoãn tiêm vaccine cho trẻ trong mùa dịch Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay, nhiều bậc phụ huynh lo ngại lây nhiễm dẫn đến việc muốn trì hoãn lịch tiêm phòng của trẻ và e ngại đến cơ sở y tế dù con gặp vấn đề sức khỏe dẫn đến bệnh tăng nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ không nên hoãn lịch tiêm chủng cho bé, vì chỉ khi tiêm đúng lịch và đủ liều vaccine mới tạo được hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể trước bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo như: Viêm màng não, viêm não Nhật Bản, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi...
Hoãn tiêm chủng vì dịch Covid-19
Mặc dù đã đến lịch tiêm chủng của em bé 2 tuổi cách đây hơn 1 tháng, nhưng hiện gia đình chị Nguyễn Thanh Hương (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) vẫn chưa cho con đi tiêm do lo ngại dịch bệnh. “Kể ra, đúng lịch tiêm của con phải từ hơn 1 tháng trước nhưng vì dịch Covid-19, trong khi con lại đang “sụt sịt” mũi nên gia đình cho con đi tiêm cũng ngại. Cũng phải một vài tháng nữa, chúng tôi mới cho con đi tiêm phòng, chắc không vấn đề gì, không tiêm trước thì tiêm sau” – chị Hương chia sẻ.
Không tiêm trước thì tiêm sau, cũng vì tâm lý chần chừ nên khi trẻ gặp vấn đề về sức khỏe, một số phụ huynh lại trì hoãn cho con đến cơ sở y tế. Như trường hợp bé Trần Thanh Tùng (5 tuổi, ở Hải Phòng) đã nằm điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương 3 tuần nay, tuy nhiên trẻ vẫn phải phụ thuộc vào máy thở, liệt tứ chi, tiên lượng nặng. Được biết, trước đó trẻ xuất hiện triệu chứng sốt cao, sốt từng cơn, kèm theo đau đầu, nôn nên được gia đình đưa vào viện Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản. Khai thác bệnh sử, mẹ bệnh nhi cho hay, trẻ được tiêm phòng 3 mũi viêm não Nhật Bản khi trẻ 2 tuổi nhưng từ đó đến nay chưa tiêm nhắc lại.
 Trẻ được tiêm chủng tại Đơn nguyên tiêm chủng Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Theo thông tin từ BV Nhi Trung ương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng bệnh nhân đến khám tại BV chỉ bằng 1/4 lượng bệnh nhân so với trước đó, tương đương, mỗi ngày, BV đón tiếp 1.000 – 1.200 lượt bệnh nhân. Những bệnh nhân đến khám chủ yếu mắc bệnh nặng, mãn tính…, còn những bệnh cấp tính đến khám tại BV thời gian này rất ít. Cũng tại BV, trước đó, mỗi ngày, Khoa Cấp cứu và chống độc tiếp nhận khoảng 200 trẻ nhập viện cấp cứu, nhưng thời điểm hiện tại giảm còn khoảng 50 trẻ. Trong đó, có nhiều trường hợp diễn biến nặng do cha mẹ lo ngại lây nhiễm dịch bệnh không đưa con đi khám.
Chủ động phòng bệnh hiệu quả
TS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và chống độc, BV Nhi Trung ương cảnh báo, hầu hết bệnh nhi đến BV thời điểm này đều rơi vào tình trạng nặng, khiến việc điều trị khó khăn hơn. Sai lầm tai hại mà không ít phụ huynh mắc phải, đó là việc tự ý mua thuốc điều trị cho con. Việc điều trị sai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Theo bác sĩ, không riêng nguy cơ từ Covid-19, trong thời điểm giao mùa, trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản, cúm… Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi kỹ các triệu chứng của trẻ để đưa con đến các cơ sở y tế. “Đối với trẻ em, tỷ lệ mắc Covid-19 rất ít và triệu chứng thường nhẹ hơn so với người lớn. Do đó, phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng về dịch bệnh. Điều quan trọng là theo dõi lịch tiêm chủng của trẻ, cho trẻ đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ gặp vấn đề về sức khỏe, gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm” – TS Lê Ngọc Duy khuyến cáo.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Đinh Thị Uyên - phụ trách Đơn nguyên tiêm chủng, BV Đa khoa Hà Đông cho biết, trong thời gian cách ly xã hội vừa qua, nhiều trường hợp hoãn lại lịch tiêm, hay các gia đình chủ trương không cho trẻ tiêm bất kỳ vaccine gì. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể bùng phát dịch bệnh.
Theo bác sĩ Uyên, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tiêm chủng là cách tốt nhất để trẻ chủ động phòng bệnh hiệu quả, giúp cơ thể trẻ tạo kháng thể miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng. Một số lợi ích của việc tiêm vaccine đúng lịch và đầy đủ cho trẻ trong mùa dịch Covid-19 đó chính là việc giúp phòng bệnh hiệu quả đến 95% trẻ được tiêm chủng. Từ đó sẽ tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể trước bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo như: Thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi… Đây là những bệnh có khả năng để lại di chứng nặng nề thậm chí gây tử vong cho trẻ em.
Tiêm chủng đầy đủ, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện khi tránh được các bệnh truyền nhiễm, trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật đặc biệt ảnh hưởng đến thể chất và trí não. Bên cạnh đó, chi phí dành cho tiêm chủng thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị khi trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong mùa dịch. Đặc biệt tiêm chủng giúp hạn chế nhầm lẫn triệu chứng giữa Covid-19 với cúm mùa và một số bệnh hô hấp khác, tránh gây hoang mang cho cộng đồng.
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều gia đình sẽ thắc mắc và lo ngại có nên hoãn tiêm chủng cho bé hay không. Tuy nhiên, theo dữ liệu thu thập trên phạm vi toàn cầu, hơn 117 triệu trẻ em có nguy cơ bỏ lỡ tiêm phòng do đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi tỷ lệ tiêm chủng đã bắt đầu sụt giảm.
Các số liệu thống kê cho thấy rằng ở một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như: Dịch sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản, bạch hầu… đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ. Bên cạnh việc cảnh giác với Covid-19, các bậc phụ huynh vẫn nên có kế hoạch tiêm chủng cho con để phòng ngừa các bệnh khác.
Bác sĩ Đinh Thị Uyên - Phụ trách Đơn nguyên tiêm chủng, BV Đa khoa Hà Đông

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần