Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chọn trường nghề cho con

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày này, không khí thi vào lớp 10 ởHà Nội đang nóng dần lên. Hôm qua (1/6), đợt thi vào trường chuyên đã bắt đầu, có nơi 1 chọi 30.

Một phụ huynh trên trang cá nhân đùa: “Ngày nắng nóng khủng khiếp mà các con chọi nhau thế này thì thương quá. Từ 6h sáng, ngoài đường đã 1 chọi 1.000, trong phòng thi 1 chọi 30, đá chọi đá dễ sứt đầu mẻ trán”.

Trong khi đó, một phụ huynh lặng lẽ dẫn đứa con vừa học xong lớp 9 đi tìm trường phù hợp cho nó. Trước đó, anh xem quảng cáo của một số trường. Nhiều trường nổi tiếng, như trường của FPT được ông Hoàng Nam Tiến (nguyên Chủ tịch FPT Telecom) giới thiệu…

Các trường học đều giới thiệu, ngành nghề giảng dạy của họ đang “hot”, thị trường lao động đang rất cần… Nhiều nhân viên tư vấn tuyển sinh giới thiệu cho phụ huynh rất tỉ mỉ về cách thức nhập học, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, chi phí học tập, đầu ra…

Tham khảo nhiều, phụ huynh nói trên đi thăm một số trường để xem thực tế như thế nào, có hợp với con mình và khả năng kinh tế của gia đình không.

Anh dẫn con đến Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, một trường của Nhà nước, trực thuộc UBND TP Hà Nội. Trường có trụ sở chính ở quận Nam Từ Liêm.

Vào trường, anh được cô tư vấn viên tư vấn khá nhiệt tình. Cô khuyên cậu học trò: “Nên chọn nghề phù hợp khả năng, chứ không chạy theo số đông”.

Cô cho biết thêm, học phí những năm học hệ trung cấp được miễn phí, chỉ phải đóng tiền học phổ thông theo quy định chung của Nhà nước, giống như những trường phổ thông khác. Học xong phổ thông trung học, học sinh có thể thi đại học hoặc học tiếp hệ cao đẳng của trường.

Một thầy giáo dạy nghề hàn cho biết: “Đây là nghề xã hội đang rất cần, kể cả thị trường lao động nước ngoài. Một số bạn đang học nâng cao, chờ chuyên gia Hàn quốc sang sát hạch và tuyển dụng”.

Thầy giáo ân cần nói: “Nếu cháu học nghề hàn, hệ trung cấp được miễn học phí; hệ cao đẳng được Nhà nước hỗ trợ 70%. Phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp với tôi để tôi có thể tư vấn nghề nghiệp thêm cho cháu”.

Điều đáng ngạc nhiên trường là một khu phức hợp hoàn toàn khép kín từ trường học văn hóa, học nghề đến ký túc xá… đều nằm trong khuôn viên. Trong ký túc xá có các sân chơi như sân đá bóng…

Hiện nay, trường đại học ngày càng nhiều. Đã nhiều năm, dư luận đã nói đến thị trường lao động hiện “thừa thầy - thiếu thợ”. Trên thế giới, đã có nước báo động tình trạng “bong bóng đại học” vì đào tạo cung vượt cầu.

Tài năng của con người không chỉ ở chuyện học giỏi văn, toán mà còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau (như Nguyễn Thị Oanh ở môn điền kinh là minh chứng sống động).

Vậy khi con không thể giỏi toán, văn…, tại sao không cho chúng học nghề?
Đó cũng là suy nghĩ của phụ huynh nói trên, cách anh và đứa con chọn, khi lượng sức khó có thể thi đậu những trường công ở gần nhà.