Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chòng chành thuyền thúng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Không thuyền to, máy lớn, không ngư lưới cụ hiện đại như nghề đánh bắt xa bờ, hàng trăm năm qua, những chiếc thuyền thúng (thúng) là sinh kế của lớp lớp ngư dân các xã bãi ngang, ven biển.

Bày “trận địa” trên biển trong đêm tối

1 giờ sáng, chuông báo thức reo vang, ông Huỳnh Tấn Việt (55 tuổi, thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại lọ mọ thức dậy, rời nhà trong màn đêm dày đặc để ra bờ biển.

Dưới ánh sáng le lói của đèn pin cũ, ông hì hục kéo chiếc thúng composite có gắn động cơ xuống mép nước, rồi lại tay xách nách mang, đưa đồ dùng xuống thúng nhà mình. Tiếng máy nổ giòn giã vang lên, chiếc thúng nhỏ rời bờ hướng thẳng ra biển. Một hành trình mới để mưu sinh lại bắt đầu!

Ngư dân đi thúng ra biển lúc màn đêm còn dày đặc.
Ngư dân đi thúng ra biển lúc màn đêm còn dày đặc.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ, ông Việt đã ra cách bờ khoảng 10 hải lý, lúc này đồng hồ điểm 2 giờ 30 phút. Ông giảm ga cho thúng chạy chậm lại, mắt nhìn hướng gió, tay bắt đầu thả lưới. Hai đầu lưới gắn đèn nhấp nháy báo hiệu cho các thúng khác biết nơi này đã “có chủ”.

Thả xong dàn lưới dài hàng nghìn mét, ông Việt thấm mệt và nằm sõng trên để thúng nghỉ ngơi. Chừng một giờ sau, ông bắt đầu thu hoạch thành quả.

Khi phía Đông hừng hừng sáng cũng là lúc những mét lưới cuối cùng được kéo lên khỏi mặt nước. Ông Việt nhổ neo, nổ máy trở về. Thúng cập bờ, mặt trời đã sáng rõ. Trên bãi biển, vợ ông đợi sẵn, 2 vợ chồng lại tỉ mẩn gỡ cá để kịp bán phiên chợ sáng.

Hải sản khai thác được từ các thuyền thúng của ngư dân.
Hải sản khai thác được từ các thuyền thúng của ngư dân.

“Nghề này rất hên xui, bữa trúng cá nhiều, bữa ít. Chuyến biển hôm nay thất thu, chỉ được vài cân cá tạp, đủ tiền dầu thôi. Gặp bữa trúng cá ham lắm, ũng có bữa thả cả dàn lưới chỉ được vài con, không đủ ăn trong ngày”- ông Việt cười hiền.

Sau khi nghỉ trưa, đến 13 giờ chiều, vợ chồng ông Việt lại quay xuống thúng vá lưới đến tận lúc mặt trời sắp lặn. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, ngày này qua ngày nọ. 

Sinh ra và lớn lên ở làng chài, ông Việt gắn chặt đời mình với biển. 16 tuổi, ông đã theo tàu lớn ra khơi, ra- vào Hoàng Sa, Trường Sa như cơm bữa. Tuổi dần cao, đến năm 2017, ông quyết định bỏ đi khơi để mưu sinh gần bờ.

“Một chiếc thúng máy công suất từ 6-12CV mua mới có giá từ 60-80 triệu đồng, nếu mua thúng qua sử dụng thì rẻ hơn nhưng lại phải tu bổ và kém an toàn nên người ta chủ yếu chọn mua mới. Nghề thúng gần bờ ít vốn, không cần nhiều nhân lực, chỉ một người một thúng là được. Nay có máy móc hỗ trợ kéo lưới nên cũng không tốn mấy công sức. Kể ra, biển nuôi tôi gần hết cuộc đời rồi…”- ông Việt chia sẻ.

Muôn nỗi mưu sinh

Nghề lưới thúng còn có tên gọi khác là nghề lưới cước. Đây là nghề phổ biến ở các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Riêng tại huyện Bình Sơn có khoảng 900 hộ ngư dân mưu sinh bằng nghề này, tập trung ở các xã Bình Hải, Bình Thuận, Bình Đông, Bình Trị, Bình Thạnh.

Thuyền thúng của ngư dân Sơn Trà.
Thuyền thúng của ngư dân Sơn Trà.

Làng chài Sơn Trà (xã Bình Đông) nằm sát mé biển, tiếp giáp với cửa Sa Cần. Ở đây, dường như nhà nào cũng có thúng máy đi biển với 7-8 giàn lưới đánh bắt các loại cá khác nhau, mùa cá nào có giàn lưới đó.

Làm nghề lưới thúng phải thức khuya, dậy sớm. Có người cho thúng ra khơi từ buổi chiều, có người ra khơi vào lúc 1 - 2 giờ sáng. Đánh bắt trong đêm, sáng ra thúng nào không đánh bắt được cá cũng về bờ, chiều hôm sau hoặc đêm sau đi tiếp.

Ngư dân vá lưới sau mỗi chuyến đi biển.
Ngư dân vá lưới sau mỗi chuyến đi biển.

Thường những người làm nghề lưới thúng là lớp ngư dân khá lớn tuổi. Khi sức khỏe suy giảm, không đủ sức đi biển dài ngày, họ bỏ "khơi" (đánh bắt xa bờ) về "lộng" (đánh bắt gần bờ).

Năm 12 tuổi đã làm chân sai vặt trên tàu khai thác xa bờ, tính đến nay, ông Nguyễn Văn Bảy (70 tuổi, thôn Sơn Trà) đã có gần 60 năm gắn bó với biển. Trong ký ức của lão ngư này vẫn nhớ như in những năm tháng trai trẻ dọc ngang khắp nơi.

“Năm 2008 tôi ra tận Thừa Thiên - Huế, bỏ 20 cây vàng mua chiếc tàu có công suất 40 CV, hành nghề lưới vây. Hồi đó ở xã Bình Đông tàu lớn như vậy chỉ đếm đầu ngón tay”- ông Bảy kể với giọng tự hào.

Lần nào ra khơi, tàu của ông Bảy cũng cần hơn 10 bạn thuyền. Làm ăn khấm khá, đầu năm 2014, ông Bảy mua tiếp một tàu khác 74CV của một ngư dân ở Bạc Liêu với giá gần 500 triệu đồng.

“Hồi đó cá nhiều lắm, nhiều đến nỗi tàu vừa chạy ra khỏi cửa biển đã thấy cá. Mỗi chuyến biển tôi đút túi 2 -3 cây vàng là chuyện bình thường”- ông Bảy nhớ lại.

Đến khi tuổi cao, sức khỏe không còn chịu được những chuyến lênh đênh trên biển hàng tháng trời, lại thêm ngư trường cạn kiệt dần, bạn thuyền ngày càng khó kiếm, cuối năm 2018, ông Bảy quyết định bán cả 2 tàu rồi sắm cho mình chiếc thuyền thúng gắn máy đánh bắt gần bờ.

Lão ngư Nguyễn Văn Bảy tu sửa lại chiếc thúng máy.
Lão ngư Nguyễn Văn Bảy tu sửa lại chiếc thúng máy.

“Nghề lưới thúng gần bờ chỉ đắp đổi qua ngày chứ làm giàu không nổi đâu. Biển giã ngày càng ít cá nên cuộc sống càng thêm khó khăn, nhưng dân làng chỉ có đi biển chứ biết làm nghề gì nữa đâu. Biết là nghề biển cực lắm nhưng vẫn phải làm, ngồi một chỗ không chịu được...”- ông Bảy trầm ngâm.

Dù gần bờ nhưng nghề lưới thúng cũng phải đối diện nhiều nguy hiểm. Chỉ một chiếc thúng không buồm, không mái che, nhỏ nhoi trước sóng dữ, lắm lúc ngư dân phải đánh đổi bằng cả sinh mệnh của mình.

Nghề lưới thúng thường đối mặt nhiều hiểm nguy.
Nghề lưới thúng thường đối mặt nhiều hiểm nguy.

Đang trời yên biển lặng nhưng giông gió lại nổi lên chỉ trong thoáng chốc, thúng lật, người mất tích là chuyện chẳng hiếm gặp. Ngoài ra, sóng lớn và dòng hải lưu gần bờ cuốn trôi cả dàn lưới, thiệt hại có khi lên đến hàng chục triệu đồng cũng là chuyện ngư dân đi thúng gặp thường xuyên.

“Nghề biển là nghề làm ăn trên bọt nước, sống - chết ngang nhau. Trời thương thì được no, không thương thì đói”- ông Nguyễn Đại (56 tuổi, thôn Sơn Trà) nói nhẹ bẫng.