Chống lãng phí: Chỉ rõ địa chỉ để quy trách nhiệm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) vẫn luôn là vấn đề lớn và “nóng” hiện nay. Ngoài những kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế được chỉ ra về tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý sử dụng tài sản công, tài chính công. Đặc biệt, vẫn còn đơn vị hình thức trong xây dựng chương trình, đánh giá về vấn đề này.

Những điểm sáng
Nhìn lại công tác THTK, CLP trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến nhận định, Chính phủ đã rà soát, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vấn đề này, đặc biệt là các quy định tiết giảm chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát hiện, xử lý kịp thời các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là các quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Các định mức, tiêu chuẩn liên quan đến tài chính công, tài sản công tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng Chính phủ điện tử, cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển hệ thống thương mại điện tử… tiếp tục được đẩy mạnh triển khai, từ đó đã tiết kiệm được nhiều chi phí và giảm thiểu thời gian đi lại cho người dân và DN... Trong đó, riêng việc tăng cường họp, làm việc trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhờ đó tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Các con số thống kê từ kết quả THTK, CPL năm 2020 cũng cho thấy tín hiệu đáng mừng khi 117 cơ quan đơn vị (34 bộ ngành; 63 tỉnh, thành, 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước là 50.628 tỷ đồng, tiết kiệm vốn tại DN là hơn 34.000 tỷ đồng. Nhiều nơi đạt kết quả tốt, tiết kiệm được nhiều nhất cũng được nhắc đến như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam với 15.755 tỷ đồng, Hà Nội đạt hơn 10.287 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là hơn 6.558 tỷ đồng...

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, khi bàn về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai, thực hiện hiệu quả các giải pháp THTK, CLP đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước năm 2020; đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… Ngân sách nhà nước đã chi trên 18,1 nghìn tỷ đồng theo các nghị quyết của Chính phủ cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân. Các địa phương đã sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn lực tại chỗ chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ đời sống người dân…

Vẫn còn hình thức trong đánh giá

Cùng với những điểm sáng, không ít vi phạm trong THTK, CLP cũng đã được chỉ ra. Qua theo dõi tình hình thực tế công tác này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ diễn ra khá nhiều năm nay, hiện nay vẫn còn khá phổ biến, trong nhiều trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý hình sự.
Ngay trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 cũng cho thấy, đã phát hiện 394 vụ việc và 521 người vi phạm việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, tăng 38,5% về số vụ và 80,1% về số người vi phạm so với năm 2019, có 64 người bị xử lý hình sự. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao.

Một vấn đề khác cũng được đặc biệt lưu ý là vấn đề kỷ luật, kỷ cương. Chính phủ chú trọng ban hành sớm Chương trình THTC, CLP ngay từ đầu năm (23/1/2020) nhưng một số tỉnh, bộ đến tháng 4, tháng 5/2020, thậm chí có nơi đến tháng 9 mới ban hành chương trình. Tình trạng chậm gửi báo cáo vẫn diễn ra, đồng thời một số bộ, ngành báo cáo vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thực chất. “Đó là chưa kể nhiều nơi thực hiện chưa đúng, chưa đủ gây lãng phí hay còn để xảy ra sai phạm gây thất thoát, bị xử lý hình sự dẫn đến “mất tiền, mất cán bộ””- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định.

Một trong các nguyên nhân được chỉ ra là công tác triển khai chỉ đạo tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu trong vi phạm Luật chưa thực hiện hiệu quả. Chính vì vậy, việc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật là yêu cầu được đặt ra để chấn chỉnh. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần xác định rõ tầm quan trọng của THTK, CLP và có đánh giá rõ đã làm tốt ở lĩnh vực nào, vi phạm ở đâu, rõ địa chỉ mới có thể quy trách nhiệm để xử lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần