Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống lãng phí phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trong khu vực công phải làm sao cho tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc thực thi những quy định của pháp luật mà phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân và đây mới là gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề” - như các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra.

Công chức huyện Sóc Sơn hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng
Công chức huyện Sóc Sơn hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng

Những con số lãng phí dù được chỉ ra rất nhiều, nhưng như nhiều ý kiến nhận định, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng; mới chỉ là một phần của những lãng phí hữu hình có thể nhìn thấy được, chỉ ra được, đo đếm được… Đằng sau những lãng phí hữu hình ấy còn là những lãng phí vô hình như lãng phí niềm tin, lãng phí trách nhiệm với sức tàn phá lớn hơn nhiều.

Như đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn tỉnh Tây Ninh) đã nêu ra chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm đang làm trì trệ biết bao nhiêu việc lớn nhỏ trong bộ máy quản lý hành chính; gây ra lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và DN.

Chỉ ra một nguyên nhân căn bản khiến cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có nhiều hạn chế, đó là do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích của bản thân, vì bản thân, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phân tích, “căn nguyên sâu xa của thói lãng phí của công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ sẽ dẫn đến việc con người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể và lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì lợi ích chung”.

Theo đại biểu này, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công tác điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí, cần đặc biệt chú trọng đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức của con người và đối tượng không chỉ là cho học sinh các trường phổ thông.

“Chính phủ và Quốc hội quan tâm hơn nữa tới việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó nhấn mạnh vào việc giáo dục lối sống văn minh, bởi làm rõ, chú trọng giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.

Các ý kiến đã chỉ ra, trong nhiều trường hợp không phải cứ tiêu nhiều tiền là không tiết kiệm hay là lãng phí mà quan trọng là kết quả đạt được như thế nào, cũng không phải cứ làm nhiều là hiệu quả, vì nếu chúng ta làm cả những việc không có ích, không tích cực hoặc là chồng chéo thì còn là nguyên nhân gây lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng, giải pháp dài hạn cần đặc biệt quan tâm là thúc đẩy nỗ lực thực hành tiết kiệm, phấn đấu sử dụng hiệu quả các nguồn lực dưới góc độ nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiểu biết, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi chỉ khi nhận thức đúng, ý thức tốt, trách nhiệm cao thì mới tránh được tình trạng thực hiện chống lãng phí còn hình thức.