Chống lãng phí rõ địa chỉ, trách nhiệm, tránh chung chung

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 25/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ.

Quang cảnh phiên họp thứ 10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp thứ 10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Triệt để tiết kiệm chi, ưu tiên phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước. Về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2021 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công: hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành tương đối đồng bộ; công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Bên cạnh đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thể chế tiếp tục được cải cách; trong quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầy đủ…

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, trong năm 2021, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 179.304 tỷ đồng, 9.258 hecta đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 17.825 tỷ đồng và thu hồi 811 ha đất…

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, trong đó tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả với lộ trình, bước đi chặt chẽ đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, khả thi; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác; tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trong báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ cho thấy, công tác phân cấp quản lý tài sản công tiếp tục có chuyển biến, tuy nhiên tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả... gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ, còn xảy ra vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua đã làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong Nhân dân.

Đồng thời, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu “nóng”; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong Nhân dân…

Chỉ rõ địa chỉ

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, nhìn chung các bộ ngành, địa phương thực hiện khá nghiêm túc, quyết liệt về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho xây dựng và phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có các giải pháp chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp cũng như huy động sự chung tay của Nhân dân, các thành phần kinh tế để phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ thêm một nhiệm vụ trong số các nhiệm vụ nổi lên trong năm 2021. Trong đó xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu tiết kiệm ở từng lĩnh vực, phân công rõ trách nhiệm từng cơ quan, gắn kết quả với công tác thi đua khen thưởng và bổ nhiệm thì thực hiện được đến đâu. Hiệu quả của công tác phối hợp giữa bộ ngành, địa phương, cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong công tác này có chuyến biến hay không, triển khai được bao nhiêu cuộc.

Đồng thời xác định được bối cảnh năm 2022 để có trọng tâm, trọng điểm; đi sâu kiểm tra thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản, nhất là với công trình giao thông trọng điểm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Cho ý kiến vào báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bên cạnh báo cáo đầy đủ gửi đại biểu Quốc hội thì báo cáo tóm tắt trình bày trước Quốc hội cần tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng, tránh dàn đều “3 sôi 2 lạnh”. Báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra phải thẳng thắn, rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, việc gì nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời nêu cụ thể bộ ngành, địa phương nào để lãng phí để tạo chuyển biến rõ nét thời gian tới.

Gợi ý một số vấn đề lớn, trong đó có ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn số liệu cho thấy Chính phủ đã tiết kiệm chi hơn 70 nghìn tỷ đồng, đây là con số rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị chi tiết hơn tiết kiệm từ đâu, nơi nào tiết kiệm để luận giải, minh chứng. Ví dụ cắt giảm chi thường xuyên bao nhiêu, tiết kiệm chi đi công tác nước ngoài thế nào; bộ ngành, địa phương nào nổi bật nhất... và cần viết thẳng vào nội dung báo cáo chứ không phải chỉ ghi chú..

Đề cập một số hạn chế, bất cập, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa yêu cầu các báo cáo phải thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân khách quan, chủ quan để từ đó có giải pháp khắc phục, tránh nói chung chung.

Sau phần thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần cụ thể hóa những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, các Báo cáo cần cụ thể hơn về kết quả đạt được cũng như bất cập, hạn chế; rà soát, nêu bật những việc làm được, chưa làm được theo các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình tổng thể Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.