Đó là quan điểm được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thực tế cũng cho thấy, lãng phí gây nguy hại cho xã hội không kém gì tham nhũng. CLP thành công như chống tham nhũng, đất nước nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Bài 1: Như những “tổ mối” làm rỗng “thân đê”
Lãng phí đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thức. Tình trạng lãng phí kéo dài đang như những “tổ mối” hàng ngày làm rỗng “thân đê”, gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.
Muôn mặt lãng phí
Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến các địa phương đều coi thực hành tiết kiệm, CLP là nhiệm vụ cấp bách. Nhiều quy định cụ thể về vấn đề này đã được thể hiện rõ trong Luật Thực hành tiết kiệm, CLP. Các phong trào, quy định cụ thể trong từng lĩnh vực cũng được ban hành; hầu hết các cơ quan, tổ chức đã xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động… với mục tiêu cao nhất là hiệu quả, kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện chưa đạt như mong muốn; vẫn còn nhiều tài sản, nguồn lực của xã hội đang lãng phí dưới rất nhiều dạng thức.
Như các đại biểu Quốc hội đã nhận định, CLP là một nội dung không mới vì hàng năm Quốc hội đều thảo luận, đánh giá về công tác này, nhưng cũng không bao giờ cũ vì luôn mang tính thời sự, là lực cản sự phát triển của đất nước. Tại các phiên thảo luận trên nghị trường Quốc hội, vấn đề này luôn “nóng” khi các đại biểu tập trung phân tích sự lãng phí về nguồn lực của xã hội, của đất nước trong các "dự án trùm mền, công trình đắp chiếu" hiện nay trên phạm vi cả nước. Trong đó, có những dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; hàng nghìn, hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hoặc xây dựng dở dang, "trơ gan cùng tuế nguyệt"; hay các công trình dự án xây dựng hàng chục năm nhưng vẫn chưa xong...
Quốc hội khóa XV đã từng giám sát tối cao “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, CLP giai đoạn 2016 - 2021”, điều đáng nói, báo cáo kết quả giám sát có tổng cộng 93 trang nhưng những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được liệt kê là gần 60 trang. “Điều này có nghĩa là nhìn đâu cũng thấy lãng phí và thất thoát” - như các đại biểu Quốc hội từng nhận định.
Từ những thông tin được đưa ra sau giám sát cho thấy, tình trạng lãng phí diễn ra với biểu hiện muôn mặt, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công… gây thất thoát nguồn lực quốc gia. Những con số được chỉ ra tại thời điểm đó khiến các đại biểu phải thốt lên “thật xót xa”. Giai đoạn 2016 - 2021 có đến 3.085 dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí; tổng số tiền gây thất thoát lãng phí trong 5 năm là 31.800 tỷ đồng; 74.378,7ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật. Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu… Những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN cũng gây thất thoát, lãng phí hàng chục nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước.
Gần đây nhất, tại cuộc họp thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (ngày 30/10), thống kê cho thấy, hiện có 9 dự án về xây dựng, 22 dự án về điện lực, công nghiệp, 15 dự án về giao thông, 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao - du lịch, 4 dự án về nông nghiệp cần xử lý để CLP.
Trong những ngày qua, câu chuyện về các dự án điển hình về lãng phí liên tục được nêu ra. Đó là dự án chống ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh trị giá 10.000 tỷ đồng nhưng trải qua hai nhiệm kỳ vẫn chưa thể hoàn thành, tiền Nhà nước đã bỏ ra nhưng người dân vẫn phải sống trong cảnh ngập lụt. Hay dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam khởi công xây dựng vào cuối năm 2014, có tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng mỗi bệnh viện, sau 10 năm cả hai cơ sở này vẫn không thể đi vào hoạt động, trong khi cơ sở vật chất đang dần xuống cấp; trong khi đó, người dân địa phương và các vùng lân cận vẫn phải “vượt tuyến” lên các bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội. Đó là một sự lãng phí vô cùng to lớn, cả về nguồn lực ngân sách Nhà nước lẫn tiền bạc của người dân.
Lãng phí vô hình không đo đếm được
Nhấn mạnh cần minh định nội hàm “tiết kiệm” và “lãng phí”, nhiều ý kiến cho rằng, tiết kiệm được thì tốt, mà chưa tiết kiệm được cũng chưa sao, song lãng phí không chống được lại rất nguy hại như đất đai hoang hóa thì không được đưa vào sử dụng tạo ra của cải vật chất, công trình chậm tiến độ thì đội vốn... Các số liệu về thất thoát, lãng phí hay các dự án đã được nêu tên chỉ là "bề nổi của tảng băng", một phần của những lãng phí hữu hình có thể nhìn thấy được, chỉ ra được, đo đếm được, đằng sau đấy còn hàng loạt lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều. Đó là lãng phí thời gian, lãng phí trách nhiệm, lãng phí trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”… gây nên những hệ lụy khôn lường không đo đếm được.
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, kết quả thực hành tiết kiệm, CLP đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ. Bên cạnh kết quả, nhìn thẳng vào sự thật, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra thực trạng và sự tồn tại dai dẳng của lãng phí trong nhiều lĩnh vực, từ tài nguyên thiên nhiên, ngân sách quốc gia cho đến nguồn nhân lực, thời gian và sức lực của con người, tài sản công… và cả những dạng lãng phí “vô hình” như lãng phí cơ hội, lãng phí tiềm năng, và đặc biệt là lãng phí trong hệ thống tổ chức và quản lý Nhà nước…
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện rất rõ tầm quan trọng của việc cần tăng cường thực hiện CLP để tạo ra các nguồn lực của xã hội. Bởi tham nhũng làm thất thoát tài sản công chuyển thành tài sản cá nhân, nhưng lãng phí gây thất thoát cả tài sản công, tài sản của xã hội, làm mất đi lợi ích của xã hội. Như vậy, lãng phí là phạm trù rất rộng, bao trùm cả tham nhũng, vì vậy Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, CLP và hàng năm Quốc hội đều yêu cầu Chính phủ báo cáo việc thực hiện luật này. Lãng phí xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, có thể ở cơ quan, tổ chức, kể cả người dân; như vậy CLP trở thành hành động phổ quát, xuyên suốt, có thể được quy định bằng pháp luật, nhưng quan trọng hơn phải trở thành ý thức, thói quen, văn hóa trong thực hành tiết kiệm, CLP.
Lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước thể hiện trong các dự án trùm mền, công trình đắp chiếu. Có thể đến nay chúng ta chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ về sự lãng phí này, nhưng theo tôi nghĩ con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng, đó là con số về mặt tài chính còn những lãng phí hệ lụy xoay quanh nó. Ví dụ, lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của DN, của đất nước… thì không đo đếm hết và trước hết đó là lãng phí niềm tin của Nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bình Thuận)
(Còn nữa)