Những ngày cuối năm, tranh thủ dọn dẹp lại nhà cửa, tôi vô tình tìm thấy một vài đồ vật đã cũ, trong đó có những lá thư tay. Tôi lần mở ra đọc lại những trang thư xưa cũ đã ngả màu theo thời gian, bất chợt những câu chuyện, hoài niệm của ngày xưa chợt ùa về, như đưa tôi tìm lại một phần ký ức xinh đẹp của ngày hôm qua.
Nhớ lại ngày đó, khi tôi học cấp 3 tại một trường phổ thông trên phố Võng Thị, phường Bưởi, nên trong lớp có khá nhiều bạn sinh sống tại quận Tây Hồ, mà tôi quen gọi là “thung lũng mộng mơ”, mảnh đất được bao bọc bởi thật nhiều cây cỏ, hoa lá. Là người yêu thiên nhiên nên mỗi câu chuyện xoay quanh cuộc sống của những người bạn ở Nhật Tân luôn có sức “hấp dẫn” đặc biệt với tôi.
Nghe các bạn kể gần như nhà nào cũng có cả vườn đào, đi mỏi chân không hết mà tôi thèm muốn được đến tận vườn để nhìn ngắm trải nghiệm các công đoạn chăm sóc đào. Chúng tôi cũng hẹn hò nhau cứ mỗi mùa đào nở sẽ theo bạn ra vườn cùng bố mẹ bạn chăm sóc đào nhưng vì nhiều lí do mà tôi hết lần này đến lần khác đành lỡ hẹn, lời hứa năm ấy cứ theo gió Đông bay mất...
Năm tháng dần trôi qua, tôi không còn gặp lại người bạn cũ, người luôn lắng nghe những câu chuyện mơ mộng của tôi, cùng tôi giải quyết những bài tập khó, những khúc mắc trong lòng, những rối ren về cảm xúc đầu đời…, người luôn ân cần giúp đỡ, kể cho tôi biết bao câu chuyện về các loài hoa và cuộc sống của người dân gắn bó nơi bãi sông Hồng. Giờ nghĩ lại tôi có đôi chút hối tiếc bởi những lần lỡ hẹn với mùa đào năm ấy, nhưng vẫn vui trong lòng bởi thanh xuân ấy chúng tôi đã đồng hành cùng nhau để giúp tôi có thêm chút kiến thức về đặc điểm của đào Nhật Tân, nổi tiếng đất Hà thành.
Nhắc đến Nhật Tân, ai cũng biết đây là vùng đất có nghề trồng đào nổi tiếng lâu năm ở Thủ đô. Nằm ven sông Hồng, đất trồng đào chủ yếu là phù sa bồi lắng, tơi xốp, thuận lợi trồng rau màu và hoa. Đào Nhật Tân đa dạng, phong phú các chủng loại, trong đó có 3 loại chính là đào thế, đào cổ và đào cành.
Thương hiệu đào Nhật Tân gắn với loại đào bích, hoa thường có màu hồng thắm màu xác pháo, bông to, dày cánh, nở rộ; đào phai cũng khá phổ biến, bông cho cánh kép, nở rộ; đào trắng (bạch đào) có rải rác ở Nhật Tân nhưng do nhu cầu nhiều không nhiều nên ít người trồng. Đặc biệt, có một loại đào cổ, hiếm, quý nhất có sức sống mãnh liệt, là đào thất thốn. Giống đào xù xì, rêu mốc này có sức hút kỳ lạ, mỗi thốn cành cây, tức là độ dài bằng đốt ngón tay, có thể trổ tới 7 bông hoa, nên gọi là thất thốn. Hoa đỏ vô cùng, tựa như hoa hồng nhung, có ý nghĩa hưng thịnh, năm mới may mắn.
Thú chơi đào của người Hà Nội có gì vừa tao nhã vừa gần gũi. Mỗi dịp tết đến Xuân về, những cành đào bích màu xác pháo hay đào phai phớt hồng như mang mùa Xuân đến với bà con không chỉ tại Thủ đô mà mọi miền Tổ quốc và cả kiều bào Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Nên hoa đào Nhật Tân không chỉ là biểu tượng văn hóa của Hà Nội mà là của Việt Nam trong ngày Tết.
Những ngày này xuống phố, hoà trong hơi lạnh của mùa Đông nhưng chỉ cần nhìn thấy hoa đào, là cảm như đã thấy Tết đến rồi. Người Hà Nội vẫn giữ thói quen ra tận vườn chọn mua những cành đào ưng ý để mang mùa Xuân về nhà. Mỗi dịp Xuân về, sắc thắm của hoa đào như nhuộm hồng từng góc phố, từng căn nhà, khiến cho không khí Tết rộn ràng, ấm áp.
Đặc biệt là Tết Ất Tỵ năm 2025 những cành đào và chậu quất cảnh truyền thống của Hà Nội đã vượt sóng ra khơi đón Tết tại Trường Sa, trong Chương trình "Xuân biên cương, hải đảo" do Cục Chính trị Hải quân phối hợp với Ban Thanh niên Quân đội và các cơ quan, đơn vị tổ chức vào dịp Tết đến xuân về. Bởi Tết luôn là thời điểm ai cũng muốn được về nhà, quây quần với người thân. Nhưng vì nhiệm vụ, có nhiều người không thể sum vầy cùng gia đình ngày tất niên, trong đó có những người lính đảo. Vì vậy, trong khuôn khổ chương trình "Xuân biên cương, hải đảo", việc đưa hương sắc đào, quất Hà Nội ra các đảo Trường Sa" như một lời tri ân mà Nhân dân Thủ đô gửi tới những người lính đang ngày đêm canh giữ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc!