Chủ động phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả trong mùa Đông

Ngọc Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế đã có Công điện số 1669/CĐ-BYT về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công điện nêu rõ, hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh này vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, tại một số địa phương, tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ còn chưa cao.

Bên cạnh đó, thời gian qua đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta. Mặt khác, các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết và bệnh lây qua đường hô hấp ghi nhận số mắc cao. Ngoài ra cũng đã ghi nhận các trường hợp bệnh cúm A(H5N1), bệnh Whitmore tại một số địa phương.

Trong thời gian tới, với điều kiện khí hậu mùa Đông rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả trong mùa Đông.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả trong mùa Đông.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo UBND các cấp huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch, nhất là tham gia hỗ trợ công tác triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19.

Cụ thể là đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó tập trung tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh, đánh giá nguy cơ dịch bệnh. Tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.

Đối với công tác điều trị, sở y tế các địa phương cần chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh. Đồng thời, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Sở y tế các địa phương cần thường xuyên cập nhật, thống kê số lượng và tình trạng bệnh nhân nặng, đặc biệt là các nhóm người bệnh dễ tổn thương như phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi trên địa bàn để có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các tình huống nguy kịch.

Ngoài ra, sở y tế các địa phương cần tham mưu, đề xuất kịp thời với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình dịch của từng địa phương. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên giám sát đánh giá, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở GD&ĐT triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục, các trường học. Tại các trường học, nếu phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.

Để phòng, chống các dịch bệnh lây từ động vật sang người, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở NN&PTNT triển khai mạnh mẽ các biện pháp chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch. Mặt khác, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần