Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ nhà trọ thu tiền điện sai quy định: Khó thu thập bằng chứng

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thời gian qua, tại Hà Nội đã áp giá bán lẻ điện theo chính sách trợ giá cho 17.172 cơ sở với 140.544 phòng trọ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ nhà trọ không quan tâm hoặc không muốn thực hiện do lo ngại phải nộp thuế; người thuê nhà không khai báo tạm trú nên quản lý khó.

Tính đến hết năm 2021, TP Hà Nội đã hỗ trợ giá bán lẻ điện cho hơn 140 nghìn phòng trọ (Ảnh: Minh hoạ)
Tính đến hết năm 2021, TP Hà Nội đã hỗ trợ giá bán lẻ điện cho hơn 140 nghìn phòng trọ (Ảnh: Minh hoạ)

Thông tin tại buổi làm việc của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Thắng cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tham mưu UBND TP Hà Nội  ban hành Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 9/4/2013 về việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các điểm cho thuê nhà để ở. Thực hiện Chỉ thị trên, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã thường xuyên tổ chức rà soát, tổng hợp và áp giá bán lẻ điện cho các cơ sở có phòng trọ cho người lao động, người nghèo khó và học sinh sinh viên thuê để ở. Đến hết tháng 12/2021, TP đã áp giá bán lẻ điện cho 17.172 cơ sở/140.544 phòng trọ cho thuê.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn trong quản lý. Giá điện sinh hoạt bậc thang tính toán phức tạp, khó khăn cho các chủ hộ có nhà cho thuê trong việc tính toán tiền điện thực tế hàng tháng cần thu của người đi thuê nhà.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tại các điểm có nhà cho thuê chủ nhà tính tiền điện của người thuê nhà dựa theo chỉ số tại công tơ điện lắp đặt tại các phòng cho thuê (các công tơ tự lắp đặt), tính thêm một khoản tiền điện khác cho tổn thất điện năng, một số nơi chiếu sáng, bơm nước... Một số nơi còn có thêm điện thang máy (đối với các khu nhà xây, cho thuê dạng chung cư mini). Số chênh lệch này không hề nhỏ theo tỷ lệ sử dụng điện sinh hoạt.

Việc tính này dẫn đến không có một giá điện cụ thể, chủ yếu cao hơn so với giá bán điện quy định của Nhà nước, do rất khó xác định việc thu tiền của chủ nhà đảm bảo tổng tiền điện không vượt quá hóa đơn tiền điện phát hành hàng tháng của đơn vị bán lẻ điện nên không đủ cơ sở xử lý khi áp dụng theo nội dung hướng dẫn tại văn bản số 2059/ĐTĐL-GP ngày 28/12/2018 của Cục Điều tiết Điện lực. Đây là một thực tế dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, biểu giá, chính sách giá điện ưu tiên cho người đi thuê nhà để ở chưa thực sự đem lại hiệu quả tích cực do áp dụng cách thức tính 4 người/1 định mức khá phức tạp, phát sinh thời gian, thủ tục cần thường xuyên khai báo, kiểm tra lại số lượng khi biến động người thuê trọ, nếu áp chung giá điện bậc 3 không mang lại lợi ích cho người đi thuê nhà hoặc chưa tạo động lực để người cho thuê dễ dàng áp dụng.

Trong khi đó, mặc dù thủ tục cấp định mức giá điện sinh hoạt bậc thang đã được công khai nhưng nhiều chủ nhà trọ không quan tâm hoặc không muốn thực hiện do lo ngại phải nộp thuế; người thuê nhà cũng chưa nghiêm túc thực hiện khai báo tạm trú tạm vắng hoặc thường xuyên di chuyển thay đổi chỗ ở dẫn đến việc quản lý gặp khó khăn, số liệu quản lý biến động.

"Kết quả là các đơn vị kinh doanh điện đã áp định mức giá điện bậc 3 cho phần lớn các phòng trọ cho thuê, mức áp giá điện này vẫn chưa thực sự phản ánh hết được sự hỗ trợ giá điện của nhà nước cho đối tượng là công nhân, sinh viên người lao động và người nghèo đi thuê nhà để ở", Phó giám đốc Sở Công thương thông tin.

Ngoài ra, hiện cũng khó thu thập bằng chứng xác thực việc thu tiền điện sai quy định của chủ nhà trọ với người đi thuê nhà để xử phạt do việc thu, trả tiền đều bằng tiền mặt, không có người làm chứng, không có sổ sách, hóa đơn, chứng từ ghi chép,... Người đi thuê nhà dù có biết việc thu tiền là chưa đúng quy định nhưng không hoặc e ngại phản ánh và cũng không cung cấp bằng chứng làm cơ sở xác định hành vi vi phạm của chủ nhà trọ.