Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị lần thứ 25 Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), đươc tổ chức trực tuyến sáng 9/4. Nguồn: baoquocte.vn |
Khó khăn không quên nhiệm vụ
Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, các biện pháp ngăn ngừa như đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại được đưa ra trên khắp Đông Nam Á và toàn thế giới, trở thành một "bài test" căng thẳng chưa từng có đối với Chủ tịch ASEAN - Việt Nam.
Hơn 1.500 cuộc họp truyền thống mỗi năm của ASEAN về chủ nghĩa khu vực gần như phải dừng lại. Nhiều hoạt động dự kiến của Chủ tịch Việt Nam đang bị trì hoãn, bao gồm cả việc tuyên bố dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các cuộc đàm phán cuối cùng về Hiệp định Kinh tế đối tác Toàn diện khu vực (RCEP), đánh giá Hiến chương ASEAN, đánh giá giữa kỳ về Kế hoạch chi tiết cộng đồng năm 2025 và nền tảng cho tầm nhìn ASEAN sau năm 2025...
Mặc dù cũng đang căng mình chống virus corona trên lãnh thổ nhà, với một số thành công đáng kể cho đến nay - Việt Nam cũng đã nỗ lực để giương cao lá cờ ASEAN. Ngày 14/2, quốc gia đã ban hành Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về sự bùng phát của dịch bệnh, nhấn mạnh sự cấp bách của vấn đề và cam kết phản ứng tập thể của ASEAN.
Tuyên bố liệt kê các biện pháp, nếu được thực thi, có thể hỗ trợ thêm phản ứng cho các quốc gia thành viên ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch. Chúng bao gồm việc chia sẻ thông tin kịp thời về phát hiện và điều trị Covid-19, các biện pháp kiểm tra sức khỏe tiêu chuẩn tại biên giới và các điểm nhập cảnh của các quốc gia thành viên, và hỗ trợ lãnh sự cho các công dân ASEAN khi cần thiết.
Tuy nhiên, việc thực hiện các phản ứng nhất quán của ASEAN đối với dịch bệnh vẫn còn khó gặp khó khăn, do thực tế thiếu dữ liệu dịch tễ học và đánh giá chưa đầy đủ về sự bùng nổ của dịch bệnh trong giai đoạn đầu của một số quốc gia thành viên ASEAN, cùng với sự lan rộng nhanh chóng của Covid-19 trên toàn cầu.
Giữ lửa đa kết nối
Đối mặt với thách thức này, ASEAN đã tích cực hành động, thông qua các cuộc tham vấn nội bộ được đẩy mạnh trong 2 tuần qua, dưới sự lãnh đạo của Việt Nam. Từ Hà Nội, tất cả các kênh trực tuyến có sẵn được kích hoạt để tiếp tục thảo luận về ASEAN. Ngoài các cuộc họp giao ban thường xuyên trong ngành y tế ASEAN, một nhóm làm việc ASEAN liên ngành, liên quan đến các quan chức cấp cao về y tế, đối ngoại, thông tin, quốc phòng, nhập cư và giao thông, đã được thành lập nhằm phát triển một phản ứng toàn diện trong khu vực đối với đại dịch và sự gián đoạn mà nó gây ra.
Tại cuộc họp ngày 31/3, nhóm làm việc liên ngành này đã thảo luận một số biện pháp thiết thực để đảm bảo việc trao đổi thông tin và điều phối chính sách giữa các quốc gia thành viên. Chúng bao gồm tăng cường năng lực ứng phó của ASEAN đối với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, thiết lập các kho dự trữ y tế trong khu vực và phát triển quỹ hỗ trợ đại dịch ASEAN.
Bộ phận quốc phòng ASEAN, với kinh nghiệm vốn có trong hợp tác thực tế ứng phó thảm họa, cũng đã vào cuộc. Ngày 19/2, các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN đã ban hành một tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng chống lại dịch bệnh. Và theo sáng kiến của Việt Nam, Trung tâm Y học Quân sự ASEAN có trụ sở tại Bangkok đang chuẩn bị cho một cuộc thảo luận khẩn cấp, tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của quân đội ASEAN.
Phải thừa nhận rằng, mức độ mà các sáng kiến này của ASEAN sẽ nhanh chóng giảm bớt áp lực cho các nước thành viên trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang diễn ra. Với các vấn đề khẩn cấp, việc tự bảo vệ vẫn được ưu tiên vì các quốc gia phải đặt lợi ích của công dân mình lên hàng đầu, trong khi nguồn lực y tế đang thiếu hụt trầm trọng. Nhưng những gì ASEAN đang làm đáng được khuyến khích, vì nó có thể giúp khu vực chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai.
Về lâu dài, hợp tác ASEAN cũng rất quan trọng để hỗ trợ phục hồi kinh tế khu vực hậu Covid-19, đặc biệt là trong việc cải thiện các sự cố đối với chuỗi cung ứng. Là một nền kinh tế rất cởi mở, Việt Nam có lợi thế để thúc đẩy ASEAN khôi phục lại dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và con người một cách trôi chảy, cho sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Bất kể những khó khăn riêng, Việt Nam đã đi đầu bằng việc hỗ trợ vật tư y tế cho Lào và Campuchia, cũng như các bộ dụng cụ thử nghiệm cho Indonesia. Nền nông nghiệp mạnh mẽ của Việt Nam - đặc biệt là trong sản xuất lúa gạo - cũng là một lợi ích cho chính khu vực trong bối cảnh mối lo ngại gia tăng về an ninh lương thực gây ra bởi sự gián đoạn sản xuất.
Việt Nam cũng đang thúc đẩy việc triệu tập một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và với các đối tác +3, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này có lợi cho ASEAN, khi 3 quốc gia này sở hữu kinh nghiệm tốt nhất từ thực tiễn ngăn chặn virus, bên cạnh các cơ sở tài nguyên y tế lớn - tiêu biểu như khả năng xét nghiệm Covid-19 của Hàn Quốc và khả năng sản xuất vật tư y tế của Trung Quốc.
Ngoài cơ chế ASEAN+3, Việt Nam còn tích cực tham gia ngoại giao đa hướng, cả về năng lực quốc gia và với tư cách là Chủ tịch ASEAN, nhằm duy trì liên lạc và sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài trong công cuộc chống lại dịch bệnh. Để đạt được hiệu quả này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Nhật Bản và tham gia một cuộc họp từ xa của Bộ trưởng ASEAN - EU hôm 20/3.
Việt Nam cũng đã tham gia 3 cuộc thảo luận qua điện thoại ở cấp thứ trưởng ngoại giao với các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Trong đó, thông điệp chsinh xuyên suốt là duy trì tinh thần và quan hệ truyền thống hợp tác quốc tế tốt đẹp, đặc biệt là trao đổi thông tin về đại dịch, hỗ trợ công dân của nhau bị ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế đi lại, cũng như giảm thiểu sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng.
Hội nghị trực tuyến liên ngành giữa các quan chức cao cấp ASEAN - Mỹ, do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đồng chủ trì. |
Hơn cả thách thức từ đại dịch
Đáng chú ý, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, đã cố gắng vượt lên trên sự cạnh tranh của của các bên Mỹ - Trung Quốc, cũng như những mâu thuẫn ngoại giao giữa Bắc Kinh - Washington về Covid-19. Thay vào đó là tập trung vào việc bảo đảm sự hợp tác của cả 2 cường quốc để chống lại căn bệnh này. Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã gặp đối tác Trung Quốc vào ngày 20/2, cam kết phản ứng khẩn cấp chung với đại dịch. Mỹ - ASEAN cũng tăng cường hợp tác thông qua một hội nghị trực tuyến liên ngành cấp cao vào ngày 31/3. Ngoài ra, các cam kết ASEAN - Mỹ ở cấp bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng y tế đang được xem xét.
Tuy nhiên, một khi đại dịch lắng xuống và sự phục hồi kinh tế trở lại hàng đầu trong chương trình nghị sự của mọi quốc gia, các nỗ lực của Chủ tịch Việt Nam nhằm duy trì sự thống nhất nội bộ và cân bằng của ASEAN sẽ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc cạnh tranh quyền lực. Đó là khi mà Mỹ vẫn đang quay cuồng với đại dịch, đối mặt với suy thoái kinh tế sâu sắc và sớm bị cuốn vào cuộc bầu cử tổng thống, trong khi Trung Quốc háo hức thay đổi hình ảnh quốc tế của mình, dự báo tương lai tiếp tục đụng độ giữa 2 "ông lớn".
Với tư cách là chủ tịch, Việt Nam được Hiến chương ASEAN ủy nhiệm để đảm bảo việc đáp ứng kịp thời và hiệu quả các vấn đề khẩn cấp hoặc các tình huống khủng hoảng ảnh hưởng đến khu vực. Bản chất của nhiệm vụ này đã được thể hiện tốt trong Chủ đề ASEAN năm 2020 mà Chủ tịch Việt Nam công bố, về mộht ASEAN gắn kết và có trách nhiệm. Đây chính là thời điểm để biến những lời nói đó thành hành động.
Hy vọng rằng, ý thức mạnh mẽ về niềm tự hào dân tộc, cùng trách nhiệm khu vực sẽ thúc đẩy Việt Nam thực hiện vai trò lãnh đạo và ngoại giao hơn nữa, để năm 2020 trở thành dấu mốc đặc biệt đối với ASEAN và quốc gia Chủ tịch.
---------------------------------------------
* Bài lược dịch quan điểm của Bà Hoàng Thị Hà - Trưởng nhóm Nghiên cứu (Chính trị & An ninh) tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS Yusof-Ishak, Singapore, đăng tải trên tạp chí trực tuyến The Diplomat ngày 9/4/2020. Tiêu đề do báo đặt lại.