Chủ tịch ECB: Euro có thể vượt USD để trở thành đơn vị tiền tệ toàn cầu
Kinhtedothi - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde tuyên bố sự suy yếu của đồng USD trong trật tự kinh tế thế giới có thể mở đường cho euro trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.
Phát biểu tại Trường Hertie ở thủ đô Berlin (Đức) hôm 26/5, bà Lagarde mô tả nền kinh tế toàn cầu từng phát triển mạnh mẽ nhờ sự cởi mở và chủ nghĩa đa phương dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, với đồng USD Mỹ làm trung tâm, đã tạo điều kiện cho thương mại bùng nổ và tài chính mở rộng. Còn đối với EU, trật tự này đã mang lại những lợi ích to lớn trong suốt 80 năm qua.
Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách khó lường từ Washington, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump, đang khiến trật tự này lung lay. “Hợp tác đa phương đang bị thay thế bởi tư duy "tổng bằng không" và các cuộc chơi quyền lực song phương. Tính cởi mở đang nhường chỗ cho chủ nghĩa bảo hộ,” bà cảnh báo.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: EPA-EFE/Ronald Wittek
Chủ tịch ECB nhận định sự thoái lui của đồng USD, hiện chiếm khoảng 58% dự trữ quốc tế, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, là tín hiệu cho thấy vai trò thống trị của nó đang bị thách thức. Những diễn biến gần đây từ Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư giảm dự trữ USD, chuyển sang vàng do thiếu lựa chọn thay thế. Tình hình bất ổn hiện tại mở ra cơ hội để châu Âu giành lại quyền tự chủ chiến lược cả về kinh tế lẫn tài chính, mà theo cách gọi của bà Lagarde, có thể tạo nên “khoảnh khắc toàn cầu của đồng euro”.
Dù vậy, đồng euro mới chỉ chiếm khoảng 20% dự trữ toàn cầu và chưa tạo được đột phá, phần lớn do những hạn chế mang tính cấu trúc của Liên minh châu Âu (EU) như thị trường vốn manh mún, thiếu tài sản an toàn có tính thanh khoản cao và nền tảng pháp lý chưa hoàn thiện. Để cải thiện vấn đề này, bà Lagarde cho rằng EU cần củng cố 3 trụ cột chính.
Đầu tiên là xây dựng nền tảng địa chính trị vững chắc, bao gồm cam kết mạnh mẽ với thương mại tự do, tăng cường năng lực an ninh và sức mạnh "cứng". “Các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chính thức, muốn tìm kiếm sự bảo đảm địa chính trị. Họ muốn đầu tư vào các khu vực được xem là đối tác an ninh đáng tin cậy và có thể duy trì liên minh bằng sức mạnh thực sự”, Giám đốc ECB phân tích.
Thứ hai là hoàn thiện thị trường vốn chung, giảm phân mảnh và tạo ra các tài sản an toàn có tính thanh khoản cao. Theo bà Lagarde, sự phát triển của một tài sản an toàn mang tính toàn châu lục, chẳng hạn như trái phiếu chung, là điều kiện tiên quyết để đồng euro có thể mở rộng vai trò toàn cầu, dù đây vẫn là chủ đề nhạy cảm ở một số quốc gia như Đức, vốn lo ngại gánh nặng tài chính đổ lên vai người đóng thuế trong nước.
Cuối cùng, châu Âu phải đảm bảo khung pháp lý minh bạch để duy trì niềm tin của nhà đầu tư. EU cần giảm bớt các quy định rườm rà và xây dựng một liên minh tiết kiệm - đầu tư hiệu quả hơn, đồng thời tích cực hỗ trợ các công ty khởi nghiệp có môi trường làm việc thuận lợi tại các quốc gia trong khối.
ĐỌC NGAY: Podcast quốc tế: Fed hay ECB, ai sẽ tiên phong nới lỏng chính sách tiền tệ?
Ngoài ra, Chủ tịch Lagarde còn kêu gọi EU thúc đẩy việc sử dụng đồng euro trong thanh toán thương mại quốc tế, thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại mới, cải thiện hệ thống thanh toán xuyên biên giới và thiết lập các thỏa thuận thanh khoản với ECB. Bà nhấn mạnh việc khuyến khích doanh nghiệp chọn euro làm đồng tiền thanh toán, cùng với các hiệp định thương mại mới, hệ thống thanh toán xuyên biên giới hiệu quả và các thỏa thuận thanh khoản với ECB, có thể tăng cường đáng kể sức mạnh của đồng tiền chung.
Nếu thành công, những lợi ích mà EU thu được sẽ không nhỏ. Việc dòng vốn đầu tư đổ vào sẽ giúp các quốc gia thành viên vay vốn với chi phí thấp hơn, bảo vệ khu vực khỏi biến động tỷ giá và giảm thiểu rủi ro từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Quan trọng hơn, một đồng euro mạnh mẽ hơn sẽ giúp EU “kiểm soát số phận của chính mình”, như lời bà Lagarde.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB cảnh báo đây không phải là một đặc quyền tự nhiên. “Đồng euro sẽ không tự động giành được ảnh hưởng, mà chúng ta phải nỗ lực để đạt được điều đó”, bà nhấn mạnh.
Tuyên bố của bà Lagarde được củng cố bởi những diễn biến gần đây trên thị trường tài chính. Đồng euro đã chạm mức cao nhất trong một tháng so với đồng USD, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trì hoãn áp thuế đối với EU và thúc đẩy một dự luật ngân sách có thể làm gia tăng nợ công của Mỹ. Các nhà đầu tư, lo ngại trước chiến lược “Bán nước Mỹ” của Tổng thống Trump, đã giảm nắm giữ tài sản bằng USD, tạo cơ hội cho đồng tiền chung của EU.
Chủ tịch Christine Lagarde không phải là tiếng nói duy nhất kêu gọi châu Âu nắm bắt cơ hội này. Tại một sự kiện khác ở Berlin, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel cũng nhấn mạnh, châu Âu cần hợp tác chặt chẽ hơn và xây dựng khả năng tự cường.
“Có lẽ chúng ta đã quá ngây thơ trong quá khứ, tin rằng mọi thứ sẽ mãi như cũ”, ông Nagel phát biểu. “Giờ đây, chúng ta cần làm việc với chính mình, cần xem xét lại mô hình kinh tế châu Âu, chính sách quốc phòng và cách để trở nên độc lập hơn”.

ECB công bố dự báo mới về tăng trưởng và lạm phát
KTĐT - Theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 3/3 công bố dự báo mới về tăng trưởng và lạm phát năm 2011-2012, trong đó lạm phát là điều mà các thị trường đặc biệt quan tâm, vì đây là căn cứ xem xét khả năng khi nào ECB sẽ tăng lãi suất.

ECB ủng hộ Cơ chế ổn định tài chính châu Âu dài hạn
KTĐT - Ngày 17/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ra thông báo ủng hộ quyết định dự thảo của Hội đồng châu Âu liên quan việc thiết lập Cơ chế ổn định tài chính châu Âu dài hạn (ESM) nhằm tăng cường sự ổn định trong khu vực đồng euro.

ECB: Chủ tịch phản đối các quy định ngân sách mới
KTĐT - Theo các quy định mới được đề xuất việc trừng phạt các quốc gia chi tiêu quá mức được trao cho các chính phủ Liên minh châu Âu (EU) vốn không muốn áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.