Chủ tịch Hoà Phát: "Ngành thép không ngờ xấu hơn cả dự đoán"

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/3, Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long chia sẻ, mặc dù đã dự báo ngành thép sẽ “thê thảm” nửa sau của năm nhưng mọi thứ lại diễn ra tệ hơn ông nghĩ.

Một năm đầy khó khăn

Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát, báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022 và kế hoạch năm 2023, sau 3 năm ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19, nền kinh tế thế giới lại phải đối phó với nhiều sóng gió "hậu Covid" như: Khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng vọt, tín dụng thắt chặt.

Quang cảnh Đại hội cổ đông thường niên 2023 Tập đoàn Hoà Phát. Ảnh: Hoà Phát
Quang cảnh Đại hội cổ đông thường niên 2023 Tập đoàn Hoà Phát. Ảnh: Hoà Phát

Kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái, từ mức tăng trưởng 5,5% năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022. Với Việt Nam tiếp tục là số ít quốc gia có điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế GDP 8,2% so với năm trước, lạm phát ở mức 3,15%.

Với ngành thép Việt Nam, năm 2022 là một năm đầy khó khăn. Giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất bị đội lên trong khi nhu cầu sụt giảm mạnh. Tổng sản lượng thép thành phẩm đạt 29,3 triệu tấn, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% trong đó xuất khẩu các loại thép đạt 6,28 triệu tấn, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát chỉ ra 4 "sóng gió" liên tiếp ập đến ngành sản xuất thép trong năm vừa qua. Thứ nhất, diễn biến đầu năm nóng, nguội dần và đóng băng cuối năm của ngành bất động sản là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm về tiệu thụ và giá bán thép xây dựng khiến doanh thu thép giảm dần trong năm 2022.

Thứ hai, giá nguyên liệu chính leo dốc đột biến do khủng hoảng từ xung đột địa chính trị, cộng hưởng với sức tiêu thụ chậm và giá bán thấp do nhu cầu yếu, khiến giá vốn bán hàng chịu nhiều áp lực.

"Khủng hoảng từ chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy giá than luyện cốc, một trong hai nguyên liệu chính của luyện thép bằng lo cao lên gấp 3 lần thông thường vào hai đợt đỉnh điểm tháng 3, 5/2022, vẫn duy trì cao hơn mức giá năm 2021 khoảng 1,5 lần trong suốt năm vừa qua" - ông Nguyễn Việt Thắng thông tin.

4 "sóng gió" liên tiếp ập đến ngành sản xuất thép trong năm vừa qua.
4 "sóng gió" liên tiếp ập đến ngành sản xuất thép trong năm vừa qua.

Thứ ba, giá USD tăng mạnh liên tục trong năm và đột ngột đảo chiều hạ sâu vào cuối năm. Với đặc thù nguồn nguyên liệu đến chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chính là nội địa, đồng thời vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu vay, Hoà Phát luôn phải trả nguyên tệ USD ròng, dẫn đến chi phí tài chính liên quan rủi ro tỷ giá tăng cao. Tổng kết năm 2022, lỗ ròng tỷ giá (chênh lệch lãi và lỗ) là 1.858 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với 2021.

Thứ tư, lãi suất tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Trong năm 2022, FED đã có 7 lần liên tiếp nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát tại Mỹ, đưa lên cao nhất trong 15 năm kể từ 2007 trở lại đây. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở nước ta được thực hiện với độ trễ khá dài khi duy trì lãi suất VNĐ ở mức "dễ chịu" trong 6 tháng đầu năm và chỉ bắt đầu tăng đà mạnh nửa cuối năm 2022 (hết năm, chí phí lãi vay là 3.084 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với 2021).

Triển vọng phụ thuộc nhu cầu thị trường

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoà Phát cho biết, năm 2022, ngành thép Việt Nam và thế giới trải qua khó khăn theo chu kỳ. Mặc dù đã dự báo ngành thép sẽ “thê thảm” nửa sau của năm nhưng mọi thứ lại diễn ra tệ hơn ông nghĩ.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Hoà Phát
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Hoà Phát

Về hoạt động kinh doanh, năm ngoái trong bối cảnh ngành thép khó khăn, tồn kho cao, chi phí vốn lớn, tỷ giá tăng, ban điều hành Hòa Phát quyết định giảm sản lượng bằng cách ngừng hoạt động của lò cao, dừng 4 lò và đầu tháng 1 đã chạy lại 1 lò.

Đầu tháng 4/2023, Hoà Phạt sẽ khởi động lại chạy lò thứ 2, còn hai lò sẽ chạy nốt trong quý II/2023. Việc chạy lại dựa trên tình hình thị trường. Thời điểm này tiêu thụ thép DN này đánh giá là chưa tốt, giá nguyên vật liệu vẫn cao và vẫn phải duy trì chính sách tồn kho thành phẩm thấp để giảm thiểu rủi ro khi giá nguyên vật liệu giảm.

Tháng 1, 2 vừa qua, Hòa Phát vẫn lỗ nhưng thấp hơn, dự kiến còn tháng 3 chưa có số cụ thể, nhưng tốt hơn. Ông Trần Đình Long cũng khẳng định giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất của ngành thép đã qua. Nội lực của Hòa Phát và doanh nghiệp ngành thép là tốt, nhưng tương lai triển vọng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Ông Trần Đình Long mong muốn Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công.

"Cầu thị trường hiện tại thấp quá. Không chỉ ngành thép mà ngành khác trong ngành xây dựng cũng vậy. Sáng nay, tôi có nói chuyện với một anh bạn làm trong ngành gạch và anh ấy chia sẻ quý I/2023 doanh số không bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái” - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long nói.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT cho biết, với kết quả kinh doanh như năm 2022, sau khi cân nhắc rất kỹ, HĐQT đã đề xuất không chia cổ tức 2022. Lý do cho việc không chia cổ tức là do nhu cầu về vốn của năm 2023 rất lớn. Tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất riêng tài sản cố định đến nay là 75.000 tỷ đồng (trên 3 tỷ USD).

Giai đoạn này, trên lãnh thổ Việt Nam không có nhiều dự án quy mô 3 tỷ USD như Hòa Phát, nên phải nói là Hoà Phát đang tập trung toàn lực cho một dự án lớn như vậy, tập trung vào "quả đấm thép" trên 3 tỷ USD.

"Một dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả. Do đó, Hòa Phát đang cần rất nhiều vốn, nên việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó" - ông Trần Đình Long thông tin.

Sang năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.000 tỷ, lần lượt tăng 6% và giảm 5% so với thực hiện trong năm ngoái. Ông Trần Đình Long kỳ vọng đầu tư công thời gian tới sẽ được đẩy mạnh và bất động sản phục hồi, từ đó, giúp tiêu thụ thép đi lên.

 
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính chung cả năm 2022, sản xuất thép thô đạt gần 20 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ đạt 18,6 triệu tấn, giảm 19% so với năm 2021. Xuất khẩu thép thô đạt 32% so với cùng kỳ 2021 với sản lượng xuất khẩu là 746 nghìn tấn.