Sẽ tìm mọi cách để khắc phục hậu quả
Theo đó, khi trả lời câu hỏi của các luật sư tại toà, bị cáo Trịnh Văn Quyết khai, Công ty Faros sau khi được mua lại đã thực hiện các dự án của hệ thống của Tập đoàn FLC, đã thi công nhiều công trình lớn rộng hàng nghìn ha và các tòa tháp tại Hà Nội, Bình Định, Quảng Ninh, Thanh Hoá.
Ngoài thi công các dự án cho FLC, Công ty Faros còn thi công các dự án cho chủ đầu tư khác như Công viên Chủ đề (công trình ngoài trời có quy mô khoảng 3.500 chỗ); khu đô thị ở Đà Nẵng.
Trong thời gian từ tháng 9/2016 – 7/2018, giá cổ phiếu ROS của Công ty Faros tăng từ 10.000 đồng lên hơn 43.000 đồng/cổ phiếu và có thời điểm, cổ phiếu ROS tăng hơn 214.000 đồng/cổ phiếu (năm 2017).
Luật sư hỏi bị cáo Quyết vì sao giai đoạn 2016-2018, bị cáo đã chỉ đạo mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu ROS với giá mua trung bình là 107 đồng/cổ phiếu mà không bán ra lúc giá cao, mà để đến lúc chỉ còn khoảng hơn 2.000 đồng/cổ phiếu mới thực hiện bán ra? Bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết, từ khi mua lại Công ty Faros, bị cáo chưa bao giờ có ý định muốn bán cổ phiếu mà lúc nào cũng muốn giữ, sở hữu thêm và mua thêm.
Thời điểm 2020-2021, do dịch Covid-19, khó khăn về tài chính nên bị cáo đã bán cổ phiếu của Công ty Faros. Tuy nhiên, trong suy nghĩ và kế hoạch thì bị cáo mong bán ra rồi sẽ mua lại, nhưng đến năm 2022 bị bắt nên không thực hiện được. Bị cáo Quyết cũng cho biết, vẫn dùng tài sản cá nhân của mình để đảm bảo hoạt động bình thường của Công ty Faros vì đây là công ty bị cáo rất tâm huyết. Còn trước cáo buộc về trách nhiệm bồi thường gần 4.300 tỷ đồng trong vụ án, bị cáo Quyết nói xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, theo bị cáo Quyết, số tài sản này bị phong tỏa từ ngày bị bắt đến nay. Hiện nay, bị cáo mới được cơ quan cơ quan tố tụng cho phép bán tài sản là hãng hàng không Bamboo và trước mắt đã thu được gần 200 tỷ đồng (tiền được chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra). Số tiền 500 tỷ còn lại, bị cáo sẵn sàng nộp khắc phục hậu quả. Đồng thời, bị cáo sẽ tiếp tục nhờ gia đình tác động để có được khoản bồi thường từ bạn bè, người thân và tìm mọi cách để khắc phục hậu quả của vụ án.
"Bị cáo kính mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo được xử lý tài sản cá nhân gần 5.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa 2 năm qua để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo tha thiết mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi. Trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo đã đề nghị được bán cổ phần tại Tập đoàn FLC nhưng đến nay chưa được phép. Bị cáo sẽ tìm mọi cách để khắc phục hậu quả”- bị cáo Quyết trình bày.
Dùng tài sản chung khắc phục cho chồng
Liên quan đến việc khắc phục hậu quả vụ án, trước đó, HĐXX đã hỏi bà Lê Ngọc Diệp - vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết về việc nhận tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Bà Lê Ngọc Diệp cho biết, bà tôn trọng các nội dung cáo trạng đã nêu.
Về khối tài sản chung đang bị kê biên, bà Diệp đồng ý dùng các tài sản này để khắc phục hậu quả vụ án cho chồng. Về một số tài sản đang thế chấp ở ngân hàng, bà Diệp nói rằng các hồ sơ ngân hàng gửi đến CQĐT, VKS bà không được biết.
Theo hồ sơ vụ án, CQĐT đã kê biên tài sản diện tích 799,6m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, TP Hà Nội; 199,9m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2; 199,9m2 nhà đất ở quận Nam Từ Liêm của bị cáo Trịnh Văn Quyết. Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị kê biên 4 nhà đất ở quận Cầu giấy, quận Nam Từ Liêm. Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga bị kê biên 2 diện tích nhà đất ở quận Nam Từ Liêm.
CQĐT có văn bản đề nghị Ủy ban Chứng khoán phong tỏa đối với 500 tài khoản chứng khoán bị cáo Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp quản lý, sử dụng với số tiền dư trong tài khoản là hơn 7,6 tỷ đồng; số dư chứng khoán 243.107.532 cổ phiếu.
Đồng thời, có công văn gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước rà soát ngăn chặn giao dịch (khóa chiều ghi nợ) đối với tài khoản đứng tên các cá nhân gồm Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Hương Trần Kiều Dung và 45 cá nhân cho Huế mượn tài khoản chứng khoán/tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, CQĐT còn có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp…) với tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Lê Thị Ngọc Diệp.
Trong đó, Trịnh Văn Quyết có 215.436.257 cổ phiếu FLC; 218.340.338 cổ phần tại Công ty CP Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES; 7.614.000 cổ phiếu GAB tại Công ty CP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC; 1.045.325.000 cổ phần tại Công ty CP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding…