Mới chỉ là đề xuất ban đầuBộ TN&MT vừa đề nghị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường. Bộ TN&MT khẳng định, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây có xu hướng gia tăng. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gia tăng là do bụi, khí thải từ hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp, đặc biệt là từ các phương tiện giao thông. Lượng khí thải này lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả, kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.
|
Xe máy cũ nát được sử dụng lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Phạm Hùng |
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ TN&MT, đề xuất mà cơ quan này đưa ra mới chỉ là bước đầu để các địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình thích hợp khi ban hành quy chuẩn chứ chưa phải để thực hiện việc thu hồi xe cũ nát ngay lập tức. Việc cần làm hiện nay là tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tự giác bỏ các loại xe cũ, lạc hậu trước khi tính tới phương án thu hồi sau này. Trước mắt, thời gian tới, cơ quan này sẽ phối hợp cùng các bộ ngành liên quan, địa phương xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn về khí thải, từ đó có phương án thực thi cụ thể việc loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát.
Như vậy, đề xuất Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu hồi xe cũ nát mà Bộ TN&MT đưa ra mới chỉ dừng lại ở mặt chủ trương và cũng là câu chuyện của thì tương lai. Đề xuất này sẽ là tiền đề để các địa phương xây dựng phương án cũng như lộ trình khoa học, phù hợp và khả thi để loại bỏ dần phương tiện cũ nát, gây ô nhiễm môi trường.
Phương án nào cho phù hợp?Mặc dù Bộ TN&MT khẳng định đề xuất đưa ra mới chỉ là tiền đề để xây dưng phương án loại bỏ xe cũ nát khỏi môi trường giao thông nhưng vẫn có không ít ý kiến băn khoăn về phương án thực hiện như thế nào cho khả thi và hợp pháp. Đặc biệt khi xe máy là tài sản sở hữu cá nhân trong khi phần lớn xe cũ nát hiện nay là mô tô, xe máy, phương tiện chưa có quy định về niên hạn sử dụng với các loại xe này.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, mặc dù Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (hiện vẫn còn hiệu lực) có quy định nghiêm cấm đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào điều này để thu hồi phương tiện cũ nát là không ổn.
“Đầu tiên cần phải làm rõ thế nào là phương tiện cũ nát. Do đó, cơ quan chức năng cần thực hiện việc kiểm tra, đo đạc các phương tiện rồi đối chiếu với các quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để xác định xe thuộc đối tượng thu hồi hay không?” – luật sư Bùi Đình Ứng nói và khuyến cáo rằng, do xe máy là tài sản thuộc sở hữu cá nhân và không có quy định về niên hạn sử dụng nên nếu muốn thu hồi loại phương tiện này, cơ quan chức năng cần phải xây dựng hành lang pháp lý vững chắc (có thể dựa trên quy định xe không đủ điều kiện an toàn thì không được phép lưu thông).
Riêng đối với phương tiện ô tô, luật sư Bùi Đình Ứng cho biết, do đã có quy định rõ ràng về niên hạn sử dụng nên sẽ dễ thực hiện hơn. “Theo Nghị định 95/2009, niên hạn sử dụng của xe ô tô là thời gian cho phép sử dụng của xe ô tô. Còn Thông tư 12/2010 của Bộ GTVT hướng dẫn chi tiết Nghị định 95/2009 cũng quy định cụ thể đối với niên hạn ô tô cải tạo, ô tô chuyển đổi công năng sử dụng. Do đó, các cơ quan chức năng cứ căn cứ vào những quy định này có thể tiến hành thu hồi những phương tiện hết niên hạn” – luật sư Bùi Đình Ứng nói.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc loại bỏ xe cũ nát, gây ô nhiễm môi trường nhưng cách làm cần phải được nghiên cứu thật kỹ để tránh gây ra những tác động tiêu cực về mặt xã hội, đặc biệt là vấn đề dân sinh. Bởi phần lớn xe cũ nát hiện nay đều thuộc về sở hữu của người có thu nhập thấp, người nghèo. Đối với họ đây không chỉ là phương tiện tham gia giao thông mà còn là sinh kế. "Do đó, việc thu hồi xe cũ nát đồng nghĩa với việc động chạm đến “nồi cơm” của nhiều người. Cần phải có sự tính toán thật kỹ” – ông Bùi Danh Liên nói.
Đồng thời cho biết thêm, trong quá trình xây dựng kế hoạch và lộ trình đối với việc thu hồi xe cũ nát, cơ quan chức năng nên tính đến phương án hỗ trợ tài chính cho những người sở hữu phương tiện bị thu hồi để họ có điều kiện mua xe mới, từ đó sinh kế của họ sẽ ít bị ảnh hưởng.
"Nếu nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn cơ quan quản lý kỹ thuật phương tiện, đối với xe máy, tôi nghĩ phải dùng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát mức độ phát thải chứ không quy định niên hạn sử dụng được. Nếu thu hồi xe máy cũ sẽ rất khó thực hiện. Còn với ô tô, luật pháp cũng chỉ quy định cơ quan công an thu hồi giấy đăng ký, biển số, cơ quan đăng kiểm không cấp kiểm định để ngăn xe hết hạn lưu hành trên đường. Cơ quan chức năng không thu hồi xe vì đây là tài sản của người dân, tổ chức." - Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Văn Phương
"Việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành là chủ trương đúng đắn, nhiều nước đã thực hiện. Để chủ trương đi vào thực tế, có hiệu quả, trước tiên cần có số liệu khảo sát, đánh giá, tính toán số lượng, loại xe. Tuy nhiên, sau khi thu hồi cũng cần có giải pháp xử lý đối với những loại xe này bởi hiện nay chúng ta chưa phát triển được công nghiệp tái chế, đặc biệt là tái chế kim loại mà những loại xe này chủ yếu là kim loại. Vì vậy, cần tính toán thêm giải pháp tiêu hủy xe ra sao. Tôi nghĩ có nhiều DN cơ khí có thể làm được việc này nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước." - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên - GS.TS Lê Thanh Hải
Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng gần 6 triệu xe máy đang lưu thông, trong đó có tới hơn 2 triệu chiếc xe máy cũ. Thông thường một chiếc xe máy hoạt động sẽ thải ra 80 - 90% khí CO, HC trong tổng lượng phát thải xe cơ giới. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, xe cũ sẽ thải ra môi trường lượng khí thải độc hại cao gấp nhiều lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ. |