Dự lễ có các đồng chí: nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT&DL) Phạm Định Phong; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà.
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP; quận, huyện bạn; lãnh đạo huyện Thanh Oai và đông đảo Nhân dân, du khách thập phương.
![Các đại biểu T.Ư, TP Hà Nội dự buổi lễ.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/07/img-3632.jpeg)
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Vũ Quỳnh cho biết: Chùa Bối Khê có tên chữ là “Đại Bi tự”, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng trong vùng với không gian, cảnh quan rộng, thông thoáng, là ngôi già lam cổ tự được khởi dựng từ thời Trần trên bờ Đỗ Động giang.
![Các đại biểu dâng hương tại chùa Bối Khê. ](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/07/img-3640.jpeg)
Chùa tọa lạc theo thế “Phượng chủy”, nghĩa là ngôi chùa nằm gọn trên đầu con phượng như đang tung cánh: phía trước là cánh đồng và bãi đất trống cùng những cây cổ thụ và dòng Đỗ Động giang. Từ ngũ môn quan tới tam quan là cây cầu nhỏ vắt ngang trông tựa như mỏ phượng. Hai bên sườn Tam bảo là 2 giếng đá cổ trông tựa như đôi mắt; phần đất hình tam giác vắt sang làng Hưng Giáo (xã Tam Hưng) tựa đuôi cong.
![Chùa Bối Khê có kết cấu “tiền phật, hậu thánh”, “nội công, ngoại quốc”.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/07/boi-khe.jpg)
Chùa Bối Khê có kết cấu “tiền phật, hậu thánh”, “nội công, ngoại quốc”, hướng Tây, bao gồm các hạng mục: đền Đức Ông, vườn tháp, ngũ môn quan, cầu gạch, tam quan, nhà bia - sắp lễ, chùa Phật (tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tả - hữu hành lang); điện Thánh (đại bái, ống muống, hậu cung), nhà Tổ - nhà Mẫu và nhà khách.
![Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê đến lãnh đạo huyện Thanh Oai, xã Tam Hưng.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/07/img-3638.jpeg)
Ngôi chùa còn giữ được khá nhiều dấu tích từ ngày khởi dựng. Chùa còn bảo lưu được bệ đá hoa sen thời Trần, chim thần Garuda tạc bằng gỗ ở đầu đao thượng điện, chân đèn đá, tượng và gạch thời Mạc, tượng thời Lê có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, ở phần điện Thánh kết cấu theo kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái đao cong được đón đỡ bởi hệ thống đấu cũng là một tuyệt tác của nghệ thuật tạo hình. Chùa Bối Khê đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1979.
![Đoàn đại biểu và Nhân dân dâng lễ. ](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/07/img-3639.jpeg)
Sau điện thánh, chùa Bối Khê còn có hầm địa đạo là nơi xưa kia du kích của làng đã đào để hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp. Hiện địa đạo được khôi phục lại một phần, có thể đón khách xuống tham quan, trải nghiệm. Chùa Bối Khê có nhiều cây cổ thụ, trong đó có cây đề và cây đa lớn ngoài cổng đã được công nhận là cây di sản. Bên cạnh đó còn có cây sen đất gắn liền với hình ảnh chùa Bối Khê.
Ở chùa, hàng năm, lễ hội vào đầu mùa Xuân, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng (âm lịch). Ngoài ra, tại chùa còn có lễ hội cầu mưa và tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê và Tiên Lữ (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ).
Chùa Bối Khê được Thủ tướng Chính Phủ ký Quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 17/1/2025. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt đầu tiên của huyện Thanh Oai.
![Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng Phát biểu tại buổi lễ. ](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/07/img-3637.jpeg)
Thay mặt lãnh đạo huyện Thanh Oai, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo T.Ư, Bộ VHTT&DL; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, các sở ban ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đồng hành, giúp đỡ, hướng dẫn huyện hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận chùa Bối Khê là di tích quốc gia đặc biệt và đạt được kết quả như ngày hôm nay.
“Lễ đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt Chùa Bối Khê thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hoá của cha ông để lại; tôn vinh những giá trị kiến trúc nghệ thuật của di tích Chùa Bối Khê. Đây cũng là dịp tưởng nhớ, tôn vinh Đức Thánh Bối, ôn lại các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Thông qua việc tổ chức chuỗi hoạt động lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật đặc sắc của di tích quốc gia đặc biệt; quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh về du lịch của quê hương Thanh Oai, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện ngày càng khởi sắc, bền vững” - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định.
![Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan đánh trống chính thức khai hội Lễ hội chùa Bối Khê Xuân Ất Tỵ 2025.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/07/img-3636.jpeg)
Thời gian tới, huyện Thanh Oai và xã Tam Hưng tiếp tục chăm lo trùng tu, tôn tạo, giữ gìn di tích; triển khai các giải pháp để khai thác giá trị của di tích trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Sau Lễ khai mạc, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan đánh trống chính thức khai hội Lễ hội chùa Bối Khê Xuân Ất Tỵ 2025.
Tiếp đó là màn nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, mở đầu cho chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao phong phú… diễn ra trong 3 ngày (ngày 7 - 9/2). Đó là: triển lãm “Chùa Bối Khê – Những giá trị di sản vô giá”; trưng bày giới thiệu một số sắc phong, văn bia lưu trữ tiêu biểu về Lưỡng quốc Trạng Nguyên Nguyễn Trực, Quận Công Lê Tiến Quý, Hoàng giáp Lê Huy Trâm; triển lãm sinh vật cảnh; khai mạc biểu diễn Lân sư rồng huyện Thanh Oai năm 2025; Giải bóng đá thanh niên chào mừng lễ hội Chùa Bối Khê; đồng diễn tập thể cùng nhiều trò chơi dân gian; hát quan họ; Liên hoan văn nghệ chào mừng lễ hội với chủ đề “Bối Khê – Tiên Lữ 700 năm một mối ân tình”…