Đây là thực tế được ghi nhận qua giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP Hà Nội trong thời gian qua tại một số quận, huyện và qua làm việc với Sở NN&PTNT.
Mới có 4/1.400 cơ sở giết mổ được hỗ trợ
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thực hiện Nghị định số 57/2028/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Hà Nội, đến nay chưa có doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định, nguyên nhân là do chưa có doanh nghiệp đầu tư. Lý do doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, mặc dù quy định cơ sở giết mổ được phê duyệt có thể được hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án đầu tư vì các cơ sở tập trung được bố trí trên đất công, khi triển khai phải thực hiện thu hồi, đấu giá nên suất đầu tư lớn.
Về hỗ trợ chi phí giết mổ, giai đoạn 2019-2020 có 2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp và 2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp được hỗ trợ với số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Kết quả này chưa đạt được mục tiêu của TP. Toàn TP hiện có gần 1.400 điểm, cơ sở giết mổ nhưng mới hỗ trợ được tổng số 4 cơ sở.
Theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND quy định: “Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp: Hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba”. Ngày 11/10/2017, UBND TP đã ban hành quyết định số 7063/QĐ- UBND về việc phê duyệt chi phí giết mổ gia súc, gia cầm, Sở NN&PTNT đã thực hiện hỗ trợ được 4 cơ sở giết mổ, tuy nhiên, đến năm 2020, quyết định này đã hết hiệu lực.
Vì vậy, từ năm 2020 đến nay, để thực hiện hỗ trợ hạng mục này, phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá giết mổ, do định mức kinh tế kỹ thuật giết mổ, việc xây dựng định mức giết mổ rất khó khăn do chưa có quy định của Bộ NN&PTNT; đồng thời mỗi cơ sở giết mổ thực hiện theo trình tự, cách thức, công nghệ khác nhau mặc dù đáp ứng điều kiện về quy hoạch cũng như đảm bảo vệ sinh thú y. Trong khi đó để thực hiện được việc này thì phải mất thời gian rất dài (ít nhất là 2 năm) mới có thể xây dựng xong. Sở NN&PTN đề xuất hỗ trợ trực tiếp bằng đơn giá trong dự thảo Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn này.
Chưa thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
Trả lời câu hỏi của thành viên Đoàn giám sát về nguyên nhân khiến chậm thực hiện các chính sách hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc gia cầm theo Nghị quyết số 10 của HĐND, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết: Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND và Nghị quyết 02 Sở NN&PTNT quy định 13 nội dung hỗ trợ. UBND TP đã ban hành Quyết định 3215 về việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Tuy nhiên, những nội dung này thuộc thẩm quyền cấp huyện, hiện cấp huyện triển khai những nội dung này chưa tốt. Nếu vùng sản xuất nông nghiệp tập trung không được triển khai thì việc Sở NN&PTNT thực hiện Nghị quyết số 10 và 02 của HĐND cũng sẽ vướng mắc tới 6-7 nội dung.
Về việc hỗ trợ cơ sở giết mổ theo Nghị quyết 10 của HĐND, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Tháng 2/2020 UBND TP đã có quyết định phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ trên địa bàn TP với 29 cơ sở giết mổ tập trung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP. Tuy nhiên, vướng mắc là hiện mới có 11/29 cơ sở đã và đang hoạt động; còn 18 cơ sở chưa hoạt động do chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, phần lớn hỗ trợ chi phí giết mổ nếu đi vào hoạt động.
Theo đại diện một cơ sở giết một tập trung trên địa bàn huyện Chương Mỹ, khó khăn hiện nay là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giết mổ theo đầu con gặp khó khăn về thủ tục. Khi thu mua của dân yêu cầu phải có giấy xác nhận của thú y và UBND xã mới được hưởng chế độ đó. Số lượng thu mua không nhiều mà dân phải đi lại xác nhận phức tạp nên bỏ không tham gia mà bán ra thị trường bên ngoài.
"Chính sách cần phù hợp thực tế vì thủ tục phức tạp người dân bán cho nơi không kiểm soát chứ không bán cho công ty. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho người giết mổ nhỏ lẻ vào công ty giết mổ tập trung đủ điều kiện giết mổ để đảm bảo kiểm soát, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng"- vị đại diện doanh nghiệp này đề xuất.
Qua thực tiễn, Đoàn giám sát nhận định các chính sách của Trung ương và TP đã được quan tâm triển khai thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa thực sự hiệu quả trong một số lĩnh vực như: Tuyên truyền, quán triệt, thông tin về các chính sách; hướng dẫn thực hiện, quy định các điều kiện để triển khai hỗ trợ; việc rà soát, đề xuất chỉnh sửa các quy định của TP, trung chưa kịp thời...
Do đó, Đoàn giám sát đề nghị Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, xác định vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, công tác thông tin tuyên truyền... để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.