Chữa tận gốc bệnh lãng phí

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lãng phí đã được chỉ ra là một căn bệnh - “bệnh lãng phí” phải hết sức coi trọng và khắc phục triệt để.

Vì vậy, việc học và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm, phòng, chống lãng phí càng trở nên giá trị, mang tính thời sự, được các cấp, ngành đẩy mạnh.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đoàn giám sát khảo sát thực địa tại Trạm bơm Cự Khối (phường Cự Khối), quận Long Biên. Ảnh: Lê Hải
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đoàn giám sát khảo sát thực địa tại Trạm bơm Cự Khối (phường Cự Khối), quận Long Biên. Ảnh: Lê Hải

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành động

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP). Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, Bác không chỉ là tấm gương sáng, mẫu mực trong THTK mà trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn quan tâm đến việc tiết kiệm, CLP để tăng gia sản xuất, tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Theo tư tưởng của Bác, tiết kiệm là sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, nhằm tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống Nhân dân. Tiết kiệm phải từ cái nhỏ đến cái to, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương, hình thức. Người luôn yêu cầu cán bộ phải là lực lượng tiên phong trong cuộc thi đua THTK. Đồng thời, chỉ rõ, muốn THTK thì toàn Đảng, toàn dân phải ra sức CLP một cách thường xuyên, triệt để, rộng khắp, có kế hoạch, tổ chức, có lãnh đạo, phương pháp.

Thực tế, trong những năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác về THTK, CLP, cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến các địa phương đều coi đây là nhiệm vụ cấp bách. Nhiều quy định cụ thể về vấn đề này đã được thể hiện rõ trong Luật THTK, CLP. Các phong trào, quy định cụ thể trong từng lĩnh vực đã được ban hành; hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã xây dựng và ban hành Chương trình THTK, CLP của cơ quan, tổ chức mình… và thực hiện hiệu quả hơn vấn đề này.

Trong các cuộc làm việc giữa đoàn giám sát của Quốc hội với các bộ, ngành, địa phương về vấn đề này cho thấy, quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về THTK, CLP luôn được quán triệt, coi đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành động, với mục tiêu cao nhất là hiệu quả, kiến tạo phát triển.

Theo đánh giá về kết quả THTK, CLP hàng năm, nhờ cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết… ngân sách đã tiết kiệm được nguồn kinh phí không nhỏ, thúc đẩy thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Như trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng số tiền tiết kiệm từ kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước là 350.000 tỷ đồng; giảm giá trị đề nghị quyết toán 27.700 tỷ đồng qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước...

Hiện, Chính phủ, chính quyền các cấp đã và đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ không giấy tờ và mang lại “những giá trị nghìn tỷ từ nút bấm điện tử”, tạo giải pháp hữu hiệu để CLP. TP Hà Nội là địa phương luôn có tinh thần trách nhiệm cao về tiết kiệm, CLP trong cả lĩnh vực công lẫn tư. TP đã thực hiện hợp lý hóa cơ cấu chi khi đã dành 49% ngân sách cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên còn 51% - đây là tỷ lệ chi thường xuyên lý tưởng.

TP cũng quyết liệt yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương phải công khai trong thực hiện THTK, CLP; đặc biệt là công khai hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí. Đáng chú ý, TP đã làm tốt việc giảm đầu mối, tổ chức, bộ máy, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, qua đó nâng cao năng lực quản lý, CLP nhân lực của các cơ quan, đơn vị.

Đầu tư ít, tạo ra giá trị cao

Trên thực tế, việc lãng phí vẫn còn rất lớn và khá phổ biến, nhất là về đất đai, sử dụng tài sản công, thời gian lao động. Lãng phí nằm ở những dự án quy hoạch một cách tràn lan và không đồng bộ trong xây dựng kết cấu hạ tầng, chậm triển khai. Lãng phí còn bởi tình trạng hội họp, lễ lạt đã giảm nhưng vẫn còn nặng về hình thức… Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, từ nhận thức của một số cơ quan, đơn vị đến thiếu các tiêu chí về đánh giá lãng phí; việc xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe, nhiều trường hợp chỉ bị phê bình, nhắc nhở rồi cho qua.

Đúng như đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, để THTK, CLP thực chất và đạt hiệu quả tối ưu, cần nhấn mạnh nhiều hơn đến yếu tố chi tiêu hợp lý, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ. Trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn hạn chế, tính toán để đầu tư ít nhất nhưng tạo ra giá trị cao nhất là rất quan trọng đúng như tư tưởng của Bác. Cùng với đó, phải xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình để xảy ra tình trạng lãng phí.

Trong khi, sự lãng phí còn hiện hữu nhiều càng cho thấy, học và làm tư tưởng của Bác về THTK, CLP trở thành việc thường xuyên, liên tục ở mọi cơ quan, ban ngành và ở mọi tầng lớp Nhân dân, sẽ là một giải pháp đặc biệt coi trọng, để tạo thêm nguồn lực thúc đẩy sự phát triển.

Đọc tiếp