Một số người trong BQT mới và trưởng ban công tác mặt trận có khiếu nại chủ đầu tư dự án về việc đơn vị này tiến hành thay đổi vị trí phòng sinh hoạt cộng đồng, bổ sung một số hạng mục nhằm tăng tiện ích cho tòa nhà mà chưa lấy ý kiến đồng thuận của cư dân; đồng thời cho rằng một số hạng mục cải tạo của chủ đầu tư làm thay đổi thiết kế của tòa nhà. Vậy thực hư chuyện này thế nào?
Bổ sung thiết kế và điều chỉnh vị trí
Theo tìm hiểu, các hạng mục đã được chủ đầu tư bổ sung bao gồm: Mở thêm lối lên xuống cho các phương tiện xuống hầm; Lắp mái che mưa trước sảnh tòa nhà, khu vực cửa của lối lên xuống hầm và chuyển vị trí của phòng sinh hoạt động đồng. Để rộng đường dư luận, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã liên hệ làm việc với các cơ quan chuyên môn và đại diện BQT cũ của dự án.
Cụ thể, tại Kết luận số 368/KL-TTr của Thanh tra Bộ xây dựng, ngày 3/8/2017, ghi rõ: Chủ đầu tư đã thiết kế thêm 9 mái sảnh tại các lối ra vào khu thương mại, khu căn hộ ở bằng kết cấu thép, hệ thống chịu lực dây căng neo vào các cột chịu lực chính; mở lối lên xuống tầng hầm tại vị trí trục 14 - 15 giao với trục B, tại mặt đường Hoàng Đạo Thúy.
Theo bản vẽ phương án kiến trúc quy hoạch được Sở QH-KT phê duyệt, dự án có 2 phòng sinh hoạt cộng đồng được đặt tại tầng 1 của tòa nhà B và tòa nhà C với tổng diện tích khoảng 141m2/phòng (2x141m2=282m2). Thực tế, chủ đầu tư đã bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng chung có diện tích 422,6m2 tại tầng 3 của tòa nhà A theo ý kiến đề xuất của chủ đầu tư và đã được BQT của tòa nhà đồng thuận và đã gửi báo cáo đến 514 căn hộ và các chủ sở hữu khác ( theo báo cáo của Ban quản trị ngày 25/12/2017).
Qua làm việc với đại diện Sở Xây dựng được biết, theo phương án kiến trúc quy hoạch được Sở QH-KT xác nhận, từ tầng 1 - 5 cụm chung cư này là không gian tiện ích công cộng, bao gồm khu thương mại, dịch vụ và khu văn phòng...
“Như vậy có thể khẳng định, việc chuyển phòng sinh hoạt cộng đồng từ tầng 1 lên tầng 3 chỉ là thay đổi về vị trí không có sự thay đổi về công năng sử dụng của tòa nhà” - vị đại diện Sở Xây dựng nói.
Cùng quan điểm, KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội KTS Việt Nam cho rằng, tại các công trình xây dựng việc chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng của công trình sẽ bị quy trách nhiệm là xây dựng sai phép và phải chịu chế tài xử phạt theo quy định. “Đối với trường hợp này không cho thấy có sự thay đổi về công năng sử dụng của công trình” - KTS Nguyễn Văn Thanh nói.
Cần hiểu rõ đâu là lợi ích
Theo KTS Nguyễn Văn Thanh, căn cứ theo Quyết đinh số 26/2004/QĐ-BXD ngày 2/11/2004 của Bộ Xây dựng ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCVN 323-2004 Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng), có nêu rõ: Trong nhà cao tầng cần bố trí phòng đa năng tiêu chuẩn được tính từ 0,8m2/1 chỗ ngồi, với diện tích không nhỏ hơn 36m2.
Lối lên xuống hầm để xe dành riêng cho xe máy được thiết kế thêm nhằm tránh xung đột giao thông xảy ra khi các phương tiện lưu thông lên - xuống. |
Việc chủ đầu tư áp dụng văn bản hướng dẫn của Bộ xây dựng để bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng đảm bảo cho sinh hoạt tập chung với 0,8m2/1 căn hộ là hết sức phù hợp với nhu cầu sử dụng, khi bố trí tập chung có thể chỉ cần đến 70% diện tích là ( 514 căn hộ x 0,8m2 x 70% = 287,8m2). Thực tế, với diện tích hiện tại (422,6m2), phòng sinh hoạt cộng đồng đang có diện tích rộng gấp 1,5 lần so với diện tích đã được phê duyệt.
Đối với nội dung liên quan đến việc chủ đầu tư mở thêm lối lên xuống tầng hầm và việc lắp đặt 9 mái sảnh che mưa sử dụng vật liệu kiên cố, chịu lực phía trước sảnh và cửa lên xuống hầm. Qua tìm hiểu thực tế được biết, tại cụm chung cư này hiện có trên 500 xe ô tô gia đình, chưa kể số lượng ô tô của khu thương mại và văn phòng và khoảng 2.000 xe máy thường ngày lên xuống hầm.
Trong khi đó, tại hồ sơ thiết kế sơ bộ chỉ có 1 lối lên và 1 lối xuống ở phía sau tòa nhà tại trục (I) và trục (K) cho cả ô tô và xe máy, Chủ đầu tư đã mở thêm lối lên xuống cho riêng xe máy tại trục (14) và trục (15) phía mặt đường Hoàng Đạo Thúy.
Theo KS Nguyễn Văn Lai - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam , với chừng đó phương tiện bao gồm cả ô tô và xe máy nếu chỉ đi chung một lối sẽ dễ dẫn đến những xung đột giao thông dẫn đến ách tắc và tiềm ẩn những rủi ro về tai nạn. Đồng thời việc bổ sung mái sảnh che mưa là để hạn chế nước mưa vào tầng hầm để xe và sảnh nhà là việc làm hợp lý.
“Tôi thấy việc mở thêm lối lên xuống dành riêng cho xe máy để giảm tải áp lực của các phương tiện khi lên xuống hầm và cũng an toàn hơn cho người và phương tiện khi lưu thông. Còn đối với phần mái sảnh nếu để khoảng trống như vậy, những đợt mưa lớn của Hà Nội sẽ làm ngập hầm, hư hỏng phương tiện” - ông Lai nhìn nhận.
UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Xây dựng kiểm tra, nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp để cải thiện điều kiện vận hành tòa nhà và điều kiện sinh hoạt của các hộ dân. |
Liên quan đến vấn đề này, KTS Nguyễn Văn Thanh cho biết, người dân cần phải nhìn nhận rõ vấn đề lợi ích của mình trong đó. Nếu quy việc bổ sung và thay đổi vị trí một số hạng mục như vây là sai so với phương án kiến trúc quy hoạch, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn trả lại như thiết kế ban đầu.
“Nếu trả nguyên hiện trạng theo phương án kiến trúc quy hoạch chỉ có 1 lối lên, 1 lối xuống hầm cho cả ô tô và xe máy; tổng diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng là 282m2 bị chia nhỏ thành 2 phòng riêng biệt. Người chịu thiệt lại chính là những cư dân đang sinh sống tại các tòa nhà trong dự án đó” - ông Thanh cho biết thêm.
Tại buổi làm việc giữa đại diện Sở Xây dựng, Sở QH-KT, Chủ đầu tư và đại diện BQT cụm nhà N04 mới đây, đại diện Sở QH - KT khẳng định, 3 hạng mục mà chủ đầu tư đã tiến hành cải tạo không được thể hiện trong bản vẽ thiết kế quy hoạch đã được Sở này phê duyệt.
Sau khi nhận được kiến nghị của chủ đầu tư về việc bổ sung và thay đổi vị trí các hạng mục này, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 3588/UBND-ĐT ngày 21/8/2019, giao Sở Xây dựng kiểm tra, nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp để cải thiện điều kiện vận hành tòa nhà và điều kiện sinh hoạt của các hộ dân.
"Theo văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng, trong thời gian chờ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, đối với mỗi khối nhà chung cư, chỉ tiêu diện tích sử dụng nhà SHCĐ tối thiểu bằng 0,8m2/căn hộ; trường hợp có nhiều khối nhà trong cùng dự án thì có thể kết hợp cho toàn khu tại một vị trí / khu vực riêng biệt, tổng diện tích phục vụ các sinh hoạt cộng đồng của toàn khu giảm tối đa 30%, bán kính từ các khối nhà tới không gian phục vụ sinh hoạt cộng đồng không quá 300m và cần được tính toán, thuyết minh đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thuận tiện và an toàn cho cư dân" - đại diện Công ty Luật TNHH Nguyễn Nga và cộng sự. |
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục tìm hiểu vụ việc và thông tin đến bạn đọc.