Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung cư “siêu mỏng” 19 tầng tại Yên Hòa không đáp ứng quy chuẩn xây dựng?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, báo Kinh tế & Đô thị liên tục nhận được phản ánh của người dân phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy về việc Công ty CP Thanh Bình Hà Nội (Công ty Thanh Bình) xây dựng hai nhà chung cư "siêu mỏng" 19 tầng tại lô đất xen kẹt thuộc tổ 24, ngõ 259 không theo quy chuẩn xây dựng.

Hai chung cư trên một dải đất hẹp

Qua tìm hiểu được biết, dự án được cấp phép xây dựng hai nhà chung cư "siêu mỏng" 19 tầng trên dải đất hẹp có chiều rộng khoảng 14m, khi hoàn thiện sẽ có chiều cao 70,8m. Trong khi đó, công trình này lại nằm ở địa thế không có không gian vì trước mặt là con đường rộng 10,5m, đằng sau là tường rào của nghĩa trang, một cạnh bên tiếp giáp với khu dân cư… Khi triển khai xây dựng, do diện tích đất hẹp nên chủ dự án đã đưa cả phần đất trên đường ống nước Phần Lan của TP vào đất dự án nhằm tăng quỹ đất xây dựng khiến người dân rất bức xúc và đặt câu hỏi: Liệu có ai "bao che" cho dự án này được phép xây dựng hay không? 
 
Dự án chung cư "siêu mỏng" tại ngõ 259 phường Yên Hòa.
Dự án chung cư "siêu mỏng" tại ngõ 259 phường Yên Hòa.
 
Ngoài ra, sai phạm của dự án trên không chỉ ở việc "chiếm đất" dân sinh mà còn ở việc dự án này không đạt các chỉ tiêu theo quy chuẩn xây dựng. Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, với chiều cao tòa nhà 70,8m thì độ lùi công trình phải là 6m và khoảng cách tòa nhà với nhà dân phải là 25m. Nhưng trên thực tế, Công ty Thanh Bình đã đào cả 2m đất vỉa hè để xây dựng. Có nghĩa rằng, khoảng lùi đã không những bị mất đi mà 2m đất vỉa hè cũng bị lấn chiếm. Trước những sai phạm trên, tổ 24, phường Yên Hòa đã có nhiều đơn gửi lên các cấp chính quyền TP và các cơ quan thông tấn báo chí.

Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, những phản ánh của người dân là có cơ sở. Qua quan sát có thể thấy, chủ đầu tư đã cho quây tôn, và tiến hành xây dựng được phần móng và tầng hầm, nhưng xung quanh dự án không có khoảng không gian phù hợp theo đúng quy chuẩn xây dựng một khu chung cư.

Loay hoay tìm hướng xử lý

Để có cái nhìn khách quan nhất về vụ việc, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Thanh Bình và được cung cấp hồ sơ pháp lý của dự án. Theo đó, vào ngày 26/10/2011, UBND quận Cầu Giấy có Quyết định số 4233/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật công cộng phục vụ dân sinh và nhà ở chung cư cao tầng để bán cho cán bộ quận Cầu Giấy và các đối tượng khác. Đến ngày 24/2/2012, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp Giấy phép xây dựng số 27/GPXD cho Công ty Thanh Bình. Công ty này được phép xây dựng hai công trình nhà ở chung cư NO1 và NO2 thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật công cộng phục vụ dân sinh và nhà ở chung cư cao tầng trên thửa đất có diện tích 6.227m2 với 19 tầng tại ngõ 259 phố Yên Hòa, phường Yên Hòa.

Sau khi có giấy phép xây dựng, ngày 24/2/2012, Công ty Thanh Bình đã có thông báo khởi công công trình gửi UBND phường Yên Hòa và được chấp thuận. Tuy nhiên, ngay khi mới bắt tay vào triển khai xây dựng các hạng mục ban đầu, phía công ty đã vấp phải sự phản đối của các hộ dân tổ 24 phường Yên Hòa. Điều này được thể hiện rõ trong Công văn số 282/UBND ngày 18/12/2012 của UBND phường Yên Hòa về việc xác nhận thời điểm tạm dừng thi công công trình. Vì vậy, từ tháng 5/2012 đến nay, Công ty Thanh Bình đã tạm dừng thi công dự án nêu trên để phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các kiến nghị của người dân.

Sau hơn 2 năm dự án bị tạm dừng thi công và chờ tìm cách giải quyết kiến nghị của người dân, đến ngày 5/9/2014, khi chưa tìm được tiếng nói chung giữa các bên, UBND quận Cầu Giấy "bỗng" có Công văn số 791/UBND- QLĐT về việc tiếp tục cho Công ty Thanh Bình tiến hành xây dựng dự án. Khi phía chủ đầu tư cho thợ đến xây dựng lại vấp phải phản đối từ phía người dân.

Ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, xác định đây là vụ việc phức tạp nên ngày 20/11 vừa qua, UBND quận đã phối hợp với UBND phường Yên Hòa tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân tại ngõ 259. Qua buổi đối thoại, toàn bộ những kiến nghị của người dân như cho dừng ngay dự án, thu hồi giấy phép xây dựng của chủ đầu tư… đều đã được ghi nhận và phía UBND quận sẽ có văn bản trả lời chính thức trước ngày 5/12.

Với vụ việc trên, các cơ quan chức năng và UBND quận Cầu Giấy cần có câu trả lời thấu đáo vụ việc, tránh đơn thư khiếu kiện kéo dài. Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.