Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 26/2: Thủy sản và chứng khoán đưa VN-Index "lội ngược dòng"

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tâm điểm giao dịch phiên hôm nay tập trung ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, thủy sản khi liên tiếp có các mã cổ phiếu thuộc 2 ngành này tăng trần.

VN-Index lấy lại 12 điểm đã mất

VN-Index đã có pha "lội ngược dòng" ngoạn mục trong phiên hôm nay khi mở phiên sáng trong sắc đỏ, sau đó kết phiên tăng mạnh hơn 12 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.224,17, tăng mạnh 12,17 điểm tương đương 1%. Thanh khoản tuy có sự sụt giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn ở mức tốt khi có hơn 800 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 23 nghìn tỷ đồng.

Toàn thị trường có 416 mã tăng, 290 mã giảm.
Toàn thị trường có 416 mã tăng, 290 mã giảm.

Sắc xanh trở lại ở hầu hết các nhóm cổ phiếu và được phát động bởi các cổ phiếu sản xuất (bao gồm phân bón/hóa chất, thủy sản, thép...) trước khi lan sang nhóm chứng khoán trong phiên chiều.

Nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt nhất trong phiên hôm nay đó là nhóm thủy sản. Trong đó rất nhiều cổ phiếu của nhóm này đạt mức tăng trần như VHC tăng 6,97%, ANV tăng 6,92%, IDI tăng 6,75% hay ASM tăng 6,57%.

Nhóm chứng khoán cũng có HCM tăng trần với 6,99%, FTS tăng 6,92% theo sau đó còn có một số cái tên khác như SSI tăng 2,78%, VND tăng 2,72% hay VIX tăng 2,57%. 

Nhóm bất động sản phân hóa mạnh, trong khi VHM tăng 0,12%, VRE tăng 2,16%, PDR tăng 0,89%, DIG tăng 1,15% thì BCM, KDH, SJS đều đứng giá tham chiếu, còn VIC thì giảm 1,33%, NVL giảm 1,18%, NLG giảm 0,8%, ITA giảm 0,93%.

Nhóm blue-chips ngân hàng đóng góp khá nhiều vào lực kéo điểm số: BID tăng 3,08%, VCB tăng 0,67%, TCB tăng 2,74%, CTG tăng 1,28%. Với mức tăng này, Vietinbank đã trở lại Top 3 vốn hóa khi vượt qua VHM và GAS trên bảng xếp hạng vốn hóa trên sàn chứng khoán Việt Nam. Toàn bộ 27 mã ngân hàng ở các sàn, chỉ có 10 mã tăng và nhóm mã nói trên tích cực nhất. Ngoài ngân hàng, còn có GVR tăng 4,54%, FPT tăng 3,95%.

DGC tăng kịch trần khi được khối ngoại quay trở lại mua ròng đột biến

Khối ngoại hôm nay quay trở lại mua ròng sau hai phiên bán ròng mạnh với giá trị vào khoảng hơn 35 tỷ đồng. DGC xuất hiện giá trị mua ròng cao nhất thị trường với 214,8 tỷ đồng, lượng mua từ khối ngoại chiếm xấp xỉ 29% tổng giao dịch. HCM được mua ròng 134 tỷ đồng, lượng mua khối ngoại chiếm 16% thanh khoản. Mặc dù được khối ngoại mua mạnh nhưng cầu nội mới là chính. HCM lập kỷ lục thanh khoản với 31,98 triệu cổ trị giá 884,6 tỷ đồng. DGC tuy không lập kỷ lục về khối lượng (7,5 triệu cổ) nhưng kỷ lục về giá trị với 788,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu DGC của Hoá chất Đức Giang vừa có nhịp tăng trở lại vùng giá 100.000 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 7/2022. Chỉ từ cuối tháng 1/2024 đến nay, mã đã tăng 14% giá trị. Còn so với thời điểm cách đây 1 năm, DGC tăng tới gần 110%.

Lũy kế cả năm 2023, tổng doanh thu của DGC đạt 9.748 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế ở mức 3.250 tỷ đồng, chỉ bằng 54% so với kết quả thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 3.109 tỷ đồng, so với cùng kỳ đạt 5.565 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu photpho vàng lớn nhất châu Á, DGC được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng của ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu photpho của Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hoá nguồn cung ngoài Trung Quốc. Với các triển vọng trên, trong báo cáo phân tích doanh nghiệp mới đây, Chứng khoán Vietcap dự báo lợi nhuận ròng của DGC có thể phục hồi 31% so với năm 2023, đạt 4.087 tỷ đồng trong năm 2024.